Thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, xã Tốt Động đã mở lớp dạy nghề mây, tre đan cho hàng trăm lao động. Tuy nhiên, đến nay số người làm nghề chỉ có vài chục.
Học qua loa
Ông Đoàn Đình Thắng - Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho biết: "Riêng năm 2010, xã tổ chức 2 lớp dạy nghề làm mây, tre đan, mỗi khóa 100 học viên, thời gian học 1,5 tháng. Sau khóa học, qua kiểm tra, các học viên đều đạt yêu cầu. Song đáng buồn là số hộ làm nghề này không nhiều".
|
Mặc dù đã học làm mây, tre đan, nhưng người dân xã Tốt Động vẫn khó có thể sống với nghề. |
Tìm hiểu của chúng tôi, theo quy định, thời gian học nghề là 2 tháng/khóa, nhưng thực tế, thời gian thực học chỉ có 1,5 tháng. Vì vậy, học viên chỉ được thực hành làm những mẫu mã đơn giản, còn các mẫu phức tạp chỉ được xem giáo viên hướng dẫn qua vài lần.
Chị Trịnh Thị Vân (xóm Cả) phàn nàn: "Học nghề là để làm nghề, nhưng chúng tôi mới chỉ được giới thiệu nghề chứ chưa phải là học nghề. Nghề mây, tre đan là "ăn" trên sản phẩm, hàng đẹp họ mới mua, hàng xấu có cho họ cũng chẳng lấy chứ nói gì đến bán".
Thiếu thực hành
Ông Trịnh Bá Vị (xóm Trần) -một trong những hộ vẫn bám nghề mây, tre đan, nhưng cuộc sống khá chật vật, do sản phẩm làm ra chất lượng thấp, nên giá bán rẻ. Ông Vị bày tỏ: "Được Nhà nước hỗ trợ học nghề, chúng tôi rất cảm ơn. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên dạy còn yếu, chương trình học sơ sài và thiếu thực hành. Theo tôi, chính quyền cần liên kết với các trường, trung tâm dạy nghề có uy tín và thời gian thực hành nhiều hơn nữa, đồng thời hỗ trợ chúng tôi tìm đầu ra cho sản phẩm thì chúng tôi mới có thể sống với nghề đã học".
Bên cạnh đó, đa số bà con hiện nay mạnh ai nấy làm, chưa có sự liên kết giữa các hộ làm nghề, nên khi có đơn đặt hàng với số lượng lớn họ không dám nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến sản phẩm bị ép giá và khó tạo thương hiệu.
Tôi đã biết nghề này, đến lớp để học thêm các kiểu đan, mẫu mã mới. Nếu chưa biết nghề mà học kiểu này thì đan cái rổ chưa xong, nói gì đến làm hàng xuất khẩu.
Bà Đặng Thị NhịBà Đặng Thị Nhị (xóm Đồng Dâu) sau khi học nghề đã mở xưởng sản xuất mây, tre đan xuất khẩu sang Canada. Xưởng của bà có 12 công nhân. "Năm ngoái, tôi tham gia lớp học nghề làm mây, tre đan ngắn hạn do xã tổ chức. Tôi đã biết nghề này, đến lớp để học thêm các kiểu đan, mẫu mã mới. Nếu chưa biết nghề mà học kiểu này thì đan cái rổ chưa xong, nói gì đến làm hàng xuất khẩu. Công nhân của tôi đều đã qua lớp học nghề, nhưng khi vào xưởng làm đều phải đào tạo lại"- bà Nhị cho hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Tốt Động hiện có khoảng 100 hộ làm mây, song, tre đan với thu nhập 50-60 nghìn đồng/người/ngày. Bà con chỉ tranh thủ làm lúc rảnh rỗi, hoặc nhận hàng đơn giản về cho các em nhỏ làm để có thêm thu nhập. Rất ít gia đình làm giàu từ nghề này.
Ông Nguyễn Văn Chiến- Trưởng xóm Cả băn khoăn: "Xã không có nghề phụ, nay được học nghề ai cũng phấn khởi, tin tưởng rằng sẽ dựa vào nghề mà sống. Nhưng có làm mới biết, sản phẩm từ lúc bắt đầu làm đến khi xuất xưởng phải qua tay 5-6 người, nên giá trị ngày công lao động rất thấp. Vì thế, nhiều người phải bỏ lên thành phố đi phụ xây, mua đồng nát... ".
Việt Tùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.