Học xong áp dụng được ngay
Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Kết cho biết: “Năm 2005, UBND xã Đoàn Kết có chủ trương khuyến khích ND chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa. Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ND trên vùng chuyển đổi nên bà con tham gia rất nhiệt tình. Đến nay, toàn thôn Tòng Hóa có 131 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 56ha”.
Bà con ND xã Đoàn Kết ham học lắm. Theo quy định, số học viên tối đa mỗi lớp chỉ 35 học viên, nhưng buổi học nào cũng có thêm học viên dự thính. Lớp không đủ chỗ ngồi, các học viên phải mượn ghế ngồi ngoài nghe giảng bài”.
Ông Trần Thanh Bình – Chủ tịch Hội ND xã Đoàn Kết
|
Nghề nuôi thủy sản phát triển, thể theo nguyện vọng của ND, năm 2009, Hội ND xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương) mở lớp dạy nghề nuôi thủy sản cho bà con. Lúc đầu, bà con nghe nói học nghề nuôi cá, nuôi lợn đều không quan tâm, bởi đó là nghề truyền thống, làm lâu năm, ai chả biết.
Nhưng khi được học, bà con mới biết cách làm của mình chưa đúng. “ND chủ yếu chăn nuôi theo kinh nghiệm, không quan tâm tới việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên cá còi cọc, chậm lớn, năng suất kém dẫn đến thu nhập không cao. Trong thời gian học nghề, bà con được giáo viên hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn cá và cách xử lý môi trường ao nuôi… Đặc biệt, giáo viên hướng dẫn bà con thực hành ngay tại ao nuôi nhà mình nên học xong là áp dụng được ngay” - ông Bình cho biết.
Thu nhập tăng từ mô hình cá – lợn
Sau thành công của lớp dạy nghề nuôi cá đầu tiên, đến nay Hội ND xã đã mở thêm 2 lớp dạy nghề nuôi cá cho 70 lượt hội viên ND. Bên cạnh đó, Hội ND còn phối hợp với các ban ngành mở thành công các lớp dạy nghề nuôi và phòng trừ bệnh cho đàn lợn. Nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên thu nhập của các hộ trên vùng chuyển đổi thôn Tòng Hóa cải thiện rõ rệt.
“Năm 2015, tổng thu nhập các hộ trên vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở thôn Tòng Hóa đạt 26,8 tỷ đồng (tăng gần 6,4 tỷ đồng so với năm 2014). Trong đó sản lượng cá đạt 345 tấn (tăng 15 tấn), giá trị 15,5 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích tăng gấp 4 – 5 lần so với cấy lúa” - ông Bình nói.
Từ chăn nuôi lợn và nuôi cá, anh Vũ Tiến Năng có khoản lãi vài trăm triệu đồng/năm. Thu Hà
Là người có thu nhập cao từ mô hình cá – lợn, anh Vũ Tiến Năng được đánh giá là một trong những học viên rất tích cực tham gia các lớp học nghề. Anh Năng chia sẻ: “Thú thật lúc đầu ra vùng chuyển đổi tôi rất lúng túng. Thời tiết thay đổi, cá chết trắng ao mà không biết cách khắc phục. Tham gia học nghề nuôi cá, được thầy giáo hướng dẫn quy trình xử lý ao nuôi, nguồn nước và cách chọn thức ăn cho cá, cứ một buổi lý thuyết trên lớp, chúng tôi lại được học một buổi thực hành ngay tại ao của một học viên trong lớp học. Nhờ vậy, tôi không còn bị lúng túng khi có dịch bệnh xảy ra, đàn cá sinh trưởng phát triển tốt”.
Cách nhà anh Năng không xa là nhà anh Phạm Văn Vương. Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh Vương ít ai có thể ngờ cách đây mấy năm gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất nhì xã. Anh Vương hồ hởi nói: “Mình nghèo một phần là do thiếu kiến thức. Sau khi tham gia các lớp dạy nghề nuôi cá, lợn tôi thấy mình vỡ vạc nhiều điều hay nên công việc chăn nuôi ngày càng mát tay. Hiện với quy mô 50 con lợn thịt/lứa, 1 năm nuôi 2 - 3 lứa và hơn 1ha ao cá, trừ chi phí tôi thu lãi gần 400 triệu đồng/năm”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.