Học phí cao: Ngành "hót" tìm việc dễ hơn, lương nhiều hơn?

Thuỳ Anh Thứ sáu, ngày 30/11/2018 06:47 AM (GMT+7)
Dù học phí có tăng cao nhưng với ngành học "hot" sẽ giúp sinh viên tìm việc tốt, mức lương hấp dẫn. Đây là quan điểm của PGS. TS Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bình luận 0

Nhiều trường ĐH đã tăng mức học phí lên từ 12-15 triệu/năm khiến nhiều người lo ngại học sinh sẽ không dám thi đại học. Ông nghĩ sao về việc này?

PGS. TS Trần Văn Tớp: Giáo dục ĐH quan trọng nhất là chất lượng đào tạo, tuy nhiên chất lượng đào tạo liên quan rất nhiều tới vấn đề đầu tư, cơ sở vật chất. Ở khía cạnh nào đó, các thầy cô giáo cũng phải được nhận một mức lương bằng hoặc phải cao hơn mặt bằng chung của xã hội.

Trong bối cảnh Nhà nước đang chuyển dần giáo dục ĐH sang tự chủ, việc hỗ trợ ngân sách không còn nữa thì việc tăng nguồn thu của các trường là nhu cầu tất yếu. Một trong những giải pháp chính tăng nguồn thu hiện nay của các trường là tăng học phí. Hầu hết các trường ở công lập, tỷ lệ nguồn thu từ học phí rất là cao. Nhiều trường còn tăng học phí cao hơn so với quy định ở Nghị định 86 khá nhiều, nhưng mức tăng này là hợp lý.

Quan điểm cá nhân tôi thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì cần tăng học phí, đặc biệt trong bối cảnh Nhà nước không thể đầu tư được thì việc tăng học phí càng cần thiết. Mức học phí 12-15 triệu đồng/1 năm là bình thường, tại Trường ĐH Bách khoa còn có một số ngành cao hơn, nhưng đây là điều kiện cần để nâng cao chất lượng đào tạo.

img

Có 28% sinh viên cho biết có nguy cơ bỏ học vì học phí cao. Ảnh: I.T

Một khảo sát năm 2017 cho thấy, hơn một nửa số sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền đi học và 28% sinh viên có nguy cơ bỏ học vì học phí tăng. Học phí tăng, sinh viên phải đi làm thêm nhiều hơn, điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng học tập, thưa ông? 

-Tôi nghĩ ở tất cả các trường ĐH đều có tình trạng sinh viên đi làm thêm. Câu chuyện sinh viên đi làm thêm cũng nên nhìn nhận ở hai mặt. Thứ nhất do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em phải đi làm để hỗ trợ cùng bố mẹ, lo tiền học phí cũng như sinh hoạt phí.

Về phía nhà trường, nếu nhà trường có công việc có thể giao được cho sinh thì nhà trường cũng ưu tiên giao việc cho các em sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để các em có thêm thu nhập.

Mặt thứ hai, có những sinh viên dù hoàn cảnh gia đình không khó khăn nhưng họ vẫn xin đi làm thêm với mong muốn được trải nghiệm và có thêm kinh nghiệm thực tế trong quá trình đi làm việc.

Tôi cho rằng nếu biết phân bổ thời gian một cách hợp lý thì sinh viên hoàn toàn có thể sắp xếp vừa học vừa làm. Thực tế, tại Trường ĐH Bách khoa, với đặc thù là trường có đông sinh viên đến từ vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và ngoại thành vì vậy việc học sinh của nhà trường đi làm thêm cũng khá nhiều.

img

PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng muốn tăng chất lượng đào tạo thì đương nhiên cần phải tăng học phí. Ảnh: I.T

Nhà trường có lo ngại việc tăng học phí trong các trường ĐH sẽ làm giảm chất lượng đầu vào khi tuyển dụng sinh viên vì thực tế, có nhiều học sinh giỏi nhưng nhà nghèo không thể đáp ứng tiền học phí đành phải lựa chọn 1 trường khác có mức học phí thấp hơn?

-Tôi cho rằng trong thực tế có thể xảy ra tình trạng này, nhưng người học cần phải lựa chọn và cân nhắc. Người học cần phải lựa chọn ngành học dựa trên năng lực, ngành nghề, ở khía cạnh nào đó còn phải phù hợp với tài chính gia đình.

Giáo dục ĐH của chúng ta còn phải khá lâu nữa mới dám tính đến việc miễn học phí. Tôi không chắc là chúng ta có làm được việc đó không, nhưng rõ ràng là người học giờ đây cần phải cân nhắc rất nhiều. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng nếu lựa chọn giáo dục ĐH như là một lựa chọn cho tương lai thì chúng ta sẽ coi như đó là một khoản đầu tư để tốt nghiệp ra trường có một công việc tốt, thu nhập cao.

Không thể vì ngành đó, trường đó có mức học phí cao mà ta bỏ qua và chọn những ngành có mức học phí thấp để rồi ra trường lại thất nghiệp, hoặc cơ hội việc làm kém, thu nhập thấp.

Thực tế trong gia đoạn vừa qua học phí tại Trường ĐH Bách khoa tăng cao, thậm chí có ngành mức học phí còn tăng cao gấp nhiều lần. Ví dụ như ngành Công nghệ thông tin, dù mức học phí đang cao nhất trường nhưng số lượng học sinh đăng ký học ngành này vẫn cao nhất toàn trường.

Hiện nay nhà trường có những chính sách nào để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giảm học phí... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thưa ông?

-Bên cạnh việc tăng học phí, thời gian qua Trường ĐH Bách khoa cũng đã xây dựng quy chế học bổng mới. Theo đó, nhà trường có quy định cụ thể về 4 loại học bổng, trong đó có 2 loại học bổng chính. Đầu tiên là học bổng tài năng cho học sinh đặc biệt xuất sắc và thứ hai là học bổng hỗ trợ học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hai học bổng này được sử dụng nguồn kinh phí trích từ học phí.

Nguồn kinh phí cho quỹ khá lớn khoảng hơn 30 tỷ đồng 1 năm. Nguồn này được dùng để hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn. Chỉ cần học sinh có xác nhận của địa phương về gia đình có hoàn cảnh nghèo, cận nghèo thì sẽ được hỗ trợ cấp học bổng một khoản tương đương với học phí.

Thêm vào đó, ngoài quỹ học bổng của nhà trường, hàng năm nhà trường cũng tiếp nhận 4- 5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ học bổng cho các em. Riêng năm 2017 trường tiếp nhận hơn 500 suất học bổng và 4,8 tỷ của các doanh nghiệp hỗ trợ các học sinh khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem