Học phí đại học tăng chóng mặt, sinh viên có mất cơ hội đi học?

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 16/04/2021 16:06 PM (GMT+7)
Với lý do tự chủ tài chính, hàng loạt trường ĐH khu vực phía Nam, đặc biệt khối y dược đã tăng học phí "phi mã". Mặc dù việc tăng này để nâng cao chất lượng đào tạo, như lý giải của các trường, nhưng với mức đóng gấp 3-5 lần trước đây đã tạo một rào cản không nhỏ cho người học.
Bình luận 0
Học phí ĐH tăng chóng mặt – sinh viên có mất cơ hội đi học? - Ảnh 1.

Học phí khối trường y dược tăng mạnh từ năm học tới.

Bắt buộc phải tăng học phí?

Theo công bố mới nhất của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021 - 2022, trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức: Nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt có mức học phí 32 triệu đồng/năm, các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chưa công bố mức học phí mới nhưng từ năm 2020 đã chính thức áp dụng học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng gấp 3-4 lần so với những năm học trước. Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao "khủng" khi thu từ 55 triệu đến gần 90 triệu đồng/năm.

Lý giải về mức tăng này, ông Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, trước đây, khi trường chưa thực hiện tự chủ, ngoài phần học phí sinh viên đóng thì nhà trường còn được hỗ trợ tài chính từ Bộ Y tế. Do đó, sinh viên chỉ đóng học phí một phần, phần còn thiếu nhà nước sẽ bù vào. Từ 1/1/2020, Bộ Y tế không còn hỗ trợ, nhà trường tự chủ đại học nên bắt buộc phải tính toán phương án thu học phí cao hơn để lấy thu bù chi và có tích luỹ để đầu tư, như ngành Răng-hàm-mặt (học phí cao nhất 70 triệu đồng/năm), mỗi sinh viên thực hành trên một máy, một số dụng cụ dùng trong thực hành không thể tái sử dụng, rất đắt tiền.

Theo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đây là đơn giá học phí dự kiến được áp dụng trong năm học 2021 – 2022. Để đáp ứng sự nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế khi tốt nghiệp đại học, trường tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học. Học phí các năm sau có thể được điều chỉnh.

PGS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho hay, năm nay thí sinh có hộ khẩu TP.HCM cũng sẽ đóng học phí cùng với học sinh có hộ khẩu ngoại tỉnh. Cụ thể, học phí ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt là 32 triệu đồng/năm, học phí ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Hình ảnh y học, Khúc xạ Nhãn khoa, Y tế Công cộng là 28 triệu đồng/năm.

Theo ông Xuân, năm nay trường vẫn dành 50% chỉ tiêu cho thí sinh có hộ khẩu TP.HCM, tuy nhiên sau 5-6 năm đào tạo, nếu sinh viên đăng ký làm việc cho thành phố thì mới được hỗ trợ và thành phố hỗ trợ cho trường bao nhiêu là quyền của thành phố.

Năm học trước, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có hộ khẩu TP.HCM đóng 14,3 triệu đồng mỗi năm, hộ khẩu tỉnh thành khác là 28,6 triệu đồng.

Học phí ĐH tăng chóng mặt – sinh viên có mất cơ hội đi học? - Ảnh 3.

Học phí tăng cao có cản trở cơ hội đi học của sinh viên?

Sinh viên có mất cơ hội học tập?

Không chỉ riêng khối y dược, hầu hết các trường ĐH khác cũng đều có thông báo về mức tăng học phí cũng như lộ trình tăng trong những năm tiếp theo.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, khóa tuyển sinh 2021 chương trình chính quy đại trà, học phí trung bình dự kiến 2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 25 triệu đồng/năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ 2, lên 30 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên mức này trong 2 năm cuối. Mức thu trung bình dự kiến với chương trình tiên tiến và chất lượng cao 66 triệu đồng/năm học, tương tự tăng lên 72 triệu đồng năm thứ 2, 80 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên trong 2 năm cuối. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm và giữ ổn định trong 4 năm. Như vậy, so với năm 2020, học phí đại trà tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng đưa ra mức thu dự kiến với sinh viên chính quy năm học 2021 - 2022 chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học. Học phí dự kiến của trường tăng mạnh các năm tiếp theo: 30 triệu đồng/năm học 2022 - 2023, 35 triệu đồng/năm học 2023 - 2024, 42 triệu đồng/năm học 2024 - 2025.

Không giấu được nỗi lo, Hoàng Phương (huyện Bình Chánh) chia sẻ: "Em đang học lớp 12, chuẩn bị vào đại học mà năm tới thấy học phí tăng cao quá. Em dự định học ĐH Bách khoa TP.HCM mà ba mẹ em chỉ là công nhân, dưới em còn em nhỏ đang học phổ thông, giờ lo mấy chục triệu một năm học đại học sợ là không có khả năng".

Đây cũng là nỗi lo thường trực của rất nhiều gia đình có thu nhập trung bình. Ngọc Mai (quận Bình Tân) cho biết: "Em thích học y, đang dự định thi vào ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vì có hộ khẩu thành phố được giảm 50% học phí nhưng nghe nói năm tới không được giảm nữa, học phí lại tăng đến 30 triệu thì chắc em phải chuyển hướng học cao đẳng hoặc học nghề khác".

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho biết, khi thực hiện tự chủ, nguồn tiền từ ngân sách không còn, các trường phải tính toán tất cả chi phí đào tạo để đưa ra mức học phí phù hợp. Tuy nhiên, nếu học phí cao quá thì chắc chắn sẽ đối diện nguy cơ… không có người học. Thực tế đã có trường rơi vào tình huống này là Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng (thuộc ĐH Đà Nẵng), học phí cao quá nên người học ngay lập tức quay lưng, dẫn đến điểm đầu vào thấp, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Nếu các trường tự chủ đưa ra mức học phí cao quá thì sẽ có hiện tượng sinh viên chạy sang các trường khác, hoặc đi du học, hoặc rẽ sang học nghề.

Theo lãnh đạo các trường đại học, trường sẽ có chính sách hỗ trợ người học bằng nhiều cách để đảm bảo sinh viên khó khăn không phải nghỉ học do khó khăn tài chính. Trường ĐH Y dược TP.HCM giành khoảng 10% học phí để cấp học bổng cho sinh viên. Theo ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường khi tăng học phí cũng sẽ trích 8%-10,8% học phí để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng thông báo hàng loạt suất học bổng có giá trị 40-230 triệu đồng/em dành cho những thí sinh giỏi, có điểm trúng tuyển cao vào trường.

Sinh viên sư phạm tiếp tục được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí

Theo nghị định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, từ tháng 11/2020 trở đi, sinh viên sẽ được hỗ trợ hai khoản, gồm tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, mỗi sinh viên được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, theo thời gian học thực tế nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Đối tượng được hỗ trợ là những sinh viên học trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy, sinh viên học văn bằng thứ hai theo hình thức đào tạo chính quy trình độ ĐH, CĐ các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ nhất đạt loại giỏi.

Sinh viên sẽ phải bồi hoàn chi phí đã hưởng nếu không công tác trong ngành giáo dục sau hai năm kể từ ngày tốt nghiệp; đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành khác, tự thôi học hoặc bị kỷ luật buộc thôi học...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem