Học phí đại học tăng gấp đôi, thậm chí 4 lần: Bộ GD-ĐT yêu cầu giải trình gì?

T.L (t/h) Thứ bảy, ngày 17/04/2021 13:32 PM (GMT+7)
Trước tình hình học phí tại một số trường đại học tăng gấp vài lần so với mức cũ, Bộ GD-ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học.
Bình luận 0

>> Học phí đại học tăng gấp đôi, gấp 4 lần: Bộ GD-ĐT lên tiếng

Thời gian gần đây, nhiều trường đại học đưa ra mức học phí mới cho năm học 2021-2022, có trường tăng học phí gấp đôi, thậm chí tăng gấp 3-4 lần so với mức cũ.

Học phí đại học tăng gấp đôi, thậm chí 4 lần: Bộ GD-ĐT yêu cầu giải trình gì? - Ảnh 1.

Học phí đại học tăng liệu có trở thành rào cản đối với các sinh viên? Ảnh minh họa: B.M

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến áp dụng mức học phí mới năm học 2021-2022 theo hai mức: Nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt có mức học phí 32 triệu đồng/năm, các ngành còn lại là 28 triệu đồng. So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi.

Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện chưa công bố mức học phí mới nhưng từ năm 2020 đã chính thức áp dụng học phí mới theo cơ chế tự chủ với mức tăng gấp 3-4 lần so với những năm học trước, ngành cao nhất lên tới 70 triệu đồng/năm. Khoa Y - ĐH Quốc gia TP.HCM cũng có mức học phí hệ chất lượng cao "khủng" khi thu từ 55 triệu đến gần 90 triệu đồng/năm…

Nhiều trường khác cũng dự kiến tăng học phí như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ thu học phí hệ chính quy (đại trà) là 25 triệu đồng (gấp đôi hiện tại); ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến cho chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm, các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 - 45 triệu đồng/năm; Đại học Ngoại thương Hà Nội từ 18,5 triệu đồng/năm lên 20 triệu đồng/năm…

Lý do tăng học phí, theo lý giải của các trường trên là để nâng cao chất lượng đào tạo, lấy thu bù chi. Nhiều người lo ngại việc thực hiện tự chủ tài chính ở đại học khiến học phí sẽ tăng "phi mã", trở thành rào cản cho các gia đình muốn con em mình bước vào cánh cổng đại học.

Trước vấn đề học phí đại học tăng gấp đôi, thậm chí 4 lần, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học.

Lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.

Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: "Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định, chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa", đồng thời, "công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục".

Ngoài ra, các trường đại học có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh. Nguyên nhân là thời gian qua, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân.

Ngày 11/6/2020, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT thông tin, quy định về chính sách học phí các cấp học căn cứ theo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018.

Trong đó, quy định trần mức tăng học phí hàng năm từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 tăng bình quân 8%- 10%/năm. Các trường được xác định mức tăng học phí hàng năm, nhưng không được vượt trần Nghị định 86.

Các cơ sở giáo dục đại học tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, theo Khoản 3 Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem