Học sinh đăng ký môn thi tốt nghiệp tự chọn: Các môn tự nhiên áp đảo

Thứ tư, ngày 12/03/2014 11:07 AM (GMT+7)
17.3 là ngày đầu tiên học sinh chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thời điểm này khá nhiều trường THPT đã tổ chức cho học sinh chọn môn thi.
Bình luận 0
Ghi nhận của NTNN, xu hướng chung là học sinh chọn thi theo khối thi đại học với sự áp đảo của các môn tự nhiên.

Lý, hóa, ngoại ngữ “lên ngôi”


Tại TP.HCM, theo khảo sát sơ bộ thì phần lớn học sinh các trường THPT khu vực nội thành ưu tiên chọn môn tiếng Anh, kế đến là vật lý và hóa học. Ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết:

“Tại TP.HCM, phong trào học ngoại ngữ đã phát triển mạnh từ hơn 10 năm nay. Các em học sinh ngoài được thụ hưởng từ Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 của Chính phủ, đều được cha mẹ cho học ngoại ngữ từ bé. Chính vì vậy, khả năng ngoại ngữ của các em rất tốt nên đa phần chọn môn ngoại ngữ với tỷ lệ 50-80%, có trường lên tới 90%”.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại huyện Đông Anh, Hà Nội.

Trong khi đó, ở các trường vùng ven và nhiều trường ngoài công lập, thứ tự ưu tiên chọn môn thi tốt nghiệp lại nghiêng về môn vật lý, hóa học, kế đến là môn tiếng Anh. Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cho hay: “Thống kê sơ bộ cho thấy số học sinh chọn thi môn vật lý, hóa học, tiếng Anh vẫn thuộc dạng “áp đảo”. Có đến 629/1.002 học sinh chọn thi môn vật lý, 523 thi hóa học, 573 thi tiếng Anh. Chỉ có 25 học sinh chọn môn lịch sử và 30 học sinh chọn môn địa lý”.

Tương tự, tại các trường khác ở TP.HCM như: THPT DL Nguyễn Khuyến (Tân Bình); THPT DL Trí Đức (Tân Phú); THPT DL Quốc Văn Sài Gòn… tỷ lệ học sinh chọn môn vật lý, hóa học chiếm 40-90%, tiếng Anh chiếm 20-50%. Riêng với môn lịch sử, tỷ lệ học sinh đăng ký của các trường này đều không vượt quá 10%.

Tại các trường khu vực phía Bắc, tình hình chọn môn thi cũng không khác nhiều. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) – cô Thu Anh cũng cho biết số học sinh chọn môn thi tốt nghiệp vật lý, hóa học, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ áp đảo. Cụ thể, ngoại ngữ chiếm 58%, vật lý chiếm 65,7%, hóa học chiếm 39,5%, địa lý 29%, sinh học 4,9% và lịch sử 2,7%.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng thông tin: Theo khảo sát ban đầu, trong hơn 600 học sinh lớp 12 của trường có 130 học sinh chọn môn thi là sử, địa, còn lại hầu hết chọn các môn tự nhiên lý, hóa, sinh.

Loay hoay tổ chức ôn tập

Dù đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn của Bộ GDĐT nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT vẫn cho rằng Bộ nên nghiên cứu các giải pháp thực hiện cho lộ trình thi tốt nghiệp THPT lâu dài, bền vững. Việc cho học sinh tự chọn môn thi đang gây khó khăn rất lớn cho các trường THPT trong việc tổ chức ôn luyện tốt nghiệp cho các em.

Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - Bộ GDĐT cho biết,
Cục đang trong quá trình hoàn thiện hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp năm 2014. Theo đó, trường hợp có môn thi rất ít thí sinh thi thì hội đồng thi vẫn làm việc đầy đủ. Trường hợp môn thi không có thí sinh thi thì hội đồng thi được tạm nghỉ buổi đó nhưng không được phép đẩy môn thi sau lên để rút ngắn thời gian.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Bình Thạnh) cho rằng: “Ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán và văn, trường sẽ phải tổ chức sắp xếp lại lớp, phân công giáo viên ôn tập theo số lượng học sinh đăng ký ở mỗi môn thi. Như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng môn này học sinh đăng ký thi nhiều, môn kia lại ít vẫn phải tổ chức lớp ôn tập”.

Lo lắng không kém, ông Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (Tân Phú, TP.HCM) thừa nhận: “Với trường công lập thì không nói, thực tế các trường THPT ngoài công lập hiện nay chỉ có 100-200 em học sinh thì vấn đề tổ chức lớp ôn tập, bố trí giáo viên, giám thị sẽ rất khó khăn vì sẽ có những môn chỉ có vài em đăng ký nhưng chúng tôi vẫn phải tổ chức ôn tập”.

Cô Nguyễn Thị Lệ Thủy thì đang “đau đầu” với việc xếp lớp thế nào cho hơn 130 học sinh chọn môn sử, địa. Cô cho biết: “Nếu gộp các em vào rồi chia thành 3 lớp ôn tập thì việc quản lý lớp, thu tiền học… rất khó khăn vì học sinh đã quen học dưới sự quản lý của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp của mình. Còn nếu học sinh lớp nào học lớp ấy thì trường không đủ giáo viên để dạy”. Cũng theo cô Thủy, trường cô số lượng 130 học sinh đã là đông, nhiều trường lân cận còn ít hơn thì không hiểu việc ôn tập sẽ thực hiện thể nào cho ổn?

“Em và bạn bè quan tâm tới kỳ thi ĐH hơn nên thi tốt nghiệp chỉ cần đủ điểm để đỗ. Vì thế, em chọn thi môn trùng với khối thi (khối A) ĐH”.
Vũ Hà Thu - học sinh Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM)

“Bạn bè em đang có “mốt” rủ nhau đi thi… cho vui. Môn nào đông học sinh thi thì dễ bảo nhau hơn, và dễ đỗ hơn. Em học khối C nên thi thêm môn sử. Em rất lo vì ngồi phòng thi vắng vẻ thì… khó làm bài”.
Nguyễn Thị Huyền Trang - học sinh Trường THPT Yên Thế (Bắc Giang)

Quốc Hải - Tùng Anh (Quốc Hải - Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem