Học sinh phải tập dượt khai giảng dưới trời nắng nóng, phụ huynh bức xúc
Học sinh phải tập dượt khai giảng dưới trời nắng nóng, phụ huynh bức xúc
Lê Bình
Thứ tư, ngày 04/09/2024 10:07 AM (GMT+7)
"Tôi đồng ý để học sinh tập dượt cho ngày khai giảng nhưng chỉ cần 1 buổi là được, đằng này con tôi kể phải ngồi nắng nóng mấy ngày chỉ để vỗ tay, nghe phát biểu", một phụ huynh cho biết.
Vừa nghỉ lễ 2/9, chị Đinh Mai Linh, phụ huynh có con ở Hà Nội cho biết: "Theo kế hoạch là ngày 3/9 cả nhà mới từ quê ra nhưng vì con phải đi tập dượt cho ngày khai giảng nên phải ra sớm dự kiến.
Tôi thấy tập dượt chuẩn bị lễ khai giảng khiến thầy và trò uể oải, nhất là khi trời nắng nóng, thế nhưng năm nào cũng tập dượt vài ngày như vậy. Trẻ con thì mệt, rồi đến ngày khai giảng chính thức không còn niềm vui và háo hức nữa".
Đây cũng là tâm trạng cũng của không ít phụ huynh trước ngày khai giảng. Theo kế hoạch của các trường, từ ngày 28/8-4/9 sẽ tổ chức các buổi tập dượt để chào đón năm học mới. Không chỉ có các em trong đội văn nghệ, nghi thức mà tất cả học sinh của toàn trường đều phải nghiêm túc tham gia tập dượt.
"Con tôi về nói tập dượt chỉ để vỗ tay, nghe cô hiệu trưởng và đại biểu phát biểu. Trời nắng như này người lớn ra đường còn sợ nói gì trẻ con. Tôi đồng ý để học sinh tập dượt cho ngày khai giảng nhưng chỉ cần 1 buổi là được, đằng này con tôi kể phải ngồi nắng nóng tập mấy ngày thì tôi nghĩ không nên", chị Lý Thị Mai, một phụ huynh khác bức xúc.
"Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh"
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, cho rằng: "Việc các trường chuẩn bị chu đáo, cẩn thận là tốt nhưng không nên quá nặng về hình thức, dễ khiến học sinh nhàm chán, phụ huynh áp lực. Nhất là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, việc tập đi tập lại nội dung chương trình của ngày khai giảng là không nên. Hãy đặt mình vào vị trí của học sinh, ngày khai giảng diễn ra trong thời tiết nắng nóng, các em phải tập trung ở sân trường để nghe những bài diễn văn dài đến hàng chục phút thì không thể vui nổi".
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, khai giảng phải là ngày hội của học sinh. Các em phải là nhân vật trung tâm với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc các trò chơi, cuộc thi dành cho học sinh. Có như vậy, ngày khai giảng mới thật sự vui vẻ, ý nghĩa, tạo tâm lý vui tươi, phấn khởi và giúp học sinh có tâm thế tốt nhất để bước vào năm học mới.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Lễ khai giảng với tôi ngày xưa đúng là ngày hội của học sinh, nơi mỗi người cảm thấy được đón chào trở lại với một năm học tập mới với những khoảng thời gian ý nghĩa bên bạn bè và thầy cô. Lễ khai giảng bây giờ quy mô hoành tráng hơn, đẹp đẽ hơn, rực rỡ với sắc màu cờ hoa, tốn kém hơn. Nhưng có thể trong mắt học sinh, đây là hoạt động làm khai giảng cho người lớn, cho lãnh đạo nhà trường. Diễn văn trong lễ khai giảng cũng mang tính báo cáo, thể hiện cho phụ huynh, cho lãnh đạo tới dự, cho thể diện nhà trường hơn là hoạt động cho học sinh, học sinh - chủ thể chính, chào mừng học sinh quay trở lại học tập.
Học sinh phải đến trường từ rất sớm, phải tập luyện văn nghệ, xếp hàng theo đội ngũ, được yêu cầu đứng, ngồi, hát, vỗ tay theo hiệu lệnh để phục vụ cho lễ khai giảng thật chỉn chu nhiều ngày khiến không ít học sinh cảm thấy mình là người phục vụ cho lễ khai giảng hơn là đối tượng được chào mừng quay trở lại.
Cùng sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, việc tổ chức các sự kiện cũng được chuẩn bị cầu kỳ hơn với các quy định, lễ nghi. Sự kiện khai giảng cũng không chỉ đơn thuần là ngày đầu tiên đón chào học sinh quay trở lại trường như bản chất vốn có của nó mà còn trở thành một sự kiện truyền thông, xây dựng và khẳng định thương hiệu của nhà trường, một cách thu hút sự chú ý của cộng đồng và người học tiềm năng.
Tuy nhiên, không thể nói tất cả các trường hiện nay đều mang tính hình thức, phô trương, không đem lại ý nghĩa thực sự của giáo dục. Vẫn có những lễ khai giảng của những ngôi trường vừa đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung và người học tham dự vẫn hạnh phúc.
Vấn đề ở chỗ, chúng ta có thực sự tập trung vào người học một cách toàn diện hay không?
Chúng ta có chú ý đến quyền và nhu cầu của trẻ, đặt nhu cầu muốn được kết nối, muốn được tôn trọng, muốn được thể hiện bản thân của người học trở thành trung tâm của buổi lễ và tìm cách để thỏa mãn các em không?".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.