Khi chấm thi điều bất ngờ với chúng tôi là khoảng 50% số bài Văn đạt dưới 4 điểm, mà 4 điểm các em có được chủ yếu là vì bài viết về biển Đông. Bài Văn đạt điểm cao nhất là 8,5. Trong khi đó, môn Lịch sử tỷ lệ trên 5 điểm đạt tới 85%-95%, nhiều bài đạt 8,9 điểm.
Trong một số bài thi, có em còn bày tỏ nguyện vọng sau khi thi tốt nghiệp THPT, sẵn sàng đi nghĩa vụ quân sự, ra biển đảo để chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Điểm Văn thấp vì đề khó
Đến hết ngày 10.6, công việc chấm thi của các giám khảo môn Ngữ văn và Lịch sử ở Quảng Ngãi cơ bản đã hoàn tất. Theo phản ánh của nhiều thầy cô giáo dạy môn Văn tại đây thì đề thi môn văn năm nay ra đúng theo tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT nên có phần mới lạ, bất ngờ và khó với thí sinh, chính vì vậy kết quả điểm thi môn văn tương đối thấp; tỉ lệ, số lượng bài làm thí sinh đạt điểm 3, điểm 4 chiếm khoảng 50% tổng số bài.
Tuy nhiên, ở câu 1, phần Đọc- hiểu, 3 điểm, với thông tin, chủ đề về biển đảo, vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, có hành động bạo ngược, hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam và công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, đang nóng bỏng, đậm tính thời sự, cả dân tộc đều phẫn nộ… thì phần lớn thí sinh làm bài khá tốt các câu nhỏ trong phần này.
Điều đó, cho thấy các em học sinh, tuổi trẻ hiện nay không hề lạnh nhạt hoặc thờ ơ với sự kiện, lịch sử dân tôc mà trái lại rất quan tâm và luôn có trái tim nồng nàn trong bộc bày tình cảm của mình mỗi khi đất nước bị đe dọa, lâm nguy.
Thầy Bùi Tấn Nam, Giáo viên trường tôi, là giám khảo môn Ngữ văn bày tỏ: “Câu viết đoạn văn là phần khó nhất nhưng các thí sinh không có những cách hiểu ngây ngô, lệch lạc như những năm trước. Về tình cảm, thái độ các em đều phẫn nộ trước hành vi của Trung Quốc. Một số em đã liên hệ khá sát với thực tế để khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nêu được một số giải pháp thiết thực của Đảng và Chính phủ trong việc tuyên truyền vận động người dân bình tĩnh, sáng suốt thể hiệN lòng yêu nước”.
Theo thầy Nam, có em còn dẫn cả lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên các diễn đàn quốc tế: “Việt Nam yêu chuộng hòa bình nhưng không đánh đổi chủ quyền để có thứ hòa bình viển vông”.
Đa số các em đều nhất trí giải quyết vấn đề biển Đông theo luật pháp quốc tế không manh động, gây rối như trong thời gian vừa qua. Các em đều mong muốn nếu có đều kiện sẽ sẵn sàng đóng góp công sức của mình vào việc giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Đọc nhiều bài làm của thí sinh, người chấm thi chúng tôi cũng xúc động, trào dâng theo, đều nhận thấy tình cảm, tấm lòng rất chân thật của các em với dân tộc, đất nước, dẫu rằng câu cú, lập luận có chỗ còn vụng về, lủng củng.
Sáng hôm qua, cặp chấm của trường tôi cũng gặp 1 bài viết rất tốt, toàn diện các câu. Các thầy cô thống nhất cho điểm 8,5. Người dạy chúng tôi luôn ủng hộ cách ra đề mở, hay, đậm hơi thở cuộc sống ở môn Ngữ văn của Bộ trong những năm gần đây để thí sinh có nhiều “đất“ diễn, bộc bày chính kiến và người dạy, người lớn hiểu đầy đủ thêm tình cảm, suy nghĩ của lớp trẻ hôm nay.”
Nhiều điểm 8,9 môn Lịch sử
Đề thi môn Lịch sử hệ phổ thông và Giáo dục thường xuyên năm nay cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, 3 câu đều bám sát chương trình, phù hợp với khả năng nhận thức và vận dụng của thí sinh. Trong đó, câu thứ 3 (3 điểm) cách hỏi khá hay, yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức sách vở (biện pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế của Liên Hợp Quốc) với liên hệ thực tế đời sống, cụ thể là việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi, theo số liệu ban đầu, về môn Lịch sử hệ Giáo dục phổ thông và Giáo dục thường có khoảng 1.900 thí sinh dự thi. Kết quả, đạt điểm 5 trở lên, hệ Giáo dục thường xuyên đạt trên 85%, hệ giáo dục phổ thông đạt trên 95 %. Có nhiều bài đạt điểm 8,9.
Thầy giáo Lê Văn Linh, giám khảo chấm thi tại Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Ngãi, có nhận xét: “So với các tỉnh khác, số lượng thí sinh Quảng Ngãi chọn thi môn Lịch sử tương đối đông. Là thầy giáo dạy Lịch sử chúng tôi rất mừng, rất vui vì có nhiều em ở đây chọn môn này. Câu liên hệ về biển đảo, tất cả thí sinh đều có nhận thức tốt, nêu những giải pháp cụ thể bằng con đường hòa bình, pháp lý, kiện ra tòa án quốc tế….
Đọc đến những đoạn, những dòng chân thật, nồng nàn, nhiệt huyết của tuổi trẻ như vậy, giám khảo chúng tôi truyền cho nhau đọc đi, đọc lại mà lòng không kìm nén xúc động…”- thầy Linh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.