Sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố chỉ
số đánh giá giáo dục toàn cầu thuộc chương trình đánh giá học sinh quốc
tế (PISA) về khả năng toán học, đọc và khoa học, nhiều người Mỹ đã lắc
đầu ngán ngẩm khi thấy học sinh của mình ngày càng tụt hậu trên bảng xếp
hạng và thua xa các học sinh các nước châu Á, đặc biệt là học sinh
Thượng Hải đứng ở vị trí đầu tiên.
Người ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao học sinh các nước Đông Á nói
chung và Trung Quốc nói riêng lại có thể thống trị bảng xếp hạng như
vậy, tuy nhiên có một sự thật đằng sau bảng xếp hạng này đã giúp cho học
sinh Trung Quốc có thể đứng ở vị trí cao nhất.
Một học sinh Trung Quốc trong giờ chào cờ.
Nếu để ý, ta sẽ thấy rằng 3 “quốc gia” được đánh giá cao nhất trong
bảng xếp hạng của OECD là Thượng Hải, Singapore và Hong Kong. Đây là
những thành phố lớn sầm uất trên thế giới với những trường học tốt nhất
xếp theo bất cứ tiêu chí nào, nhưng liệu có công bằng không khi so sánh
chúng với các quốc gia rộng lớn có trình độ phát triển kinh tế, xã hội
không đồng đều giữa các vùng như Nga, Đức, Úc và Mỹ?
Nhiều người nhất trí rằng Singapore là một quốc gia độc lập, và Hong
Kong là một khu đặc quyền kinh tế, thế nên việc hai cái tên này xuất
hiện trong bảng xếp hạng của OECD là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên vị
trí số một của học sinh Thượng Hải lại là một dấu hỏi lớn, bởi Thượng
Hải không thể đại diện cho toàn bộ đất nước Trung Quốc.
Hồi đầu năm, chuyên gia Tom Loveless thuộc Viện Brookings cho hay:
“Trung Quốc đã có một thỏa thuận bất thường với OECD, tổ chức chịu trách
nhiệm tiến hành PISA. Năm 2009, tất cả các tỉnh ở Trung Quốc đều tham
gia kỳ đánh giá này, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc chỉ cho phép công bố
kết quả của Thượng Hải.”
Thượng Hải là một trong những trung tâm tài chính toàn cầu, nơi có
điều kiện kinh tế và xã hội rất phát triển, hoàn toàn khác hẳn với nhiều
khu vực nông thôn Trung Quốc, nơi có tới 66% số học sinh của nước này.
Ông Loveless chỉ ra: “Khoảng 84% học sinh trung học ở Thượng Hải đỗ
đại học, so với tỉ lệ 24% trên cả nước.” Ngoài ra, ông Loveless cũng cho
biết các bậc phụ huynh ở Thượng Hải đều sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn
để cho con đi học thêm, và số tiền này vượt quá mức lương của một công
nhân bình thường kiếm được trong suốt một năm.
Chuyên gia giáo dục này nhận định: “Kết quả đánh giá học sinh ở
Thượng Hải sẽ được dư luận Trung Quốc mặc nhiên coi như là kết quả của
cả nước Trung Quốc. Tuy nhiên quan niệm này là rất sai lầm.”
Bằng cách chỉ cho phép công bố kết quả khảo sát ở một trong những
thành phố phát triển nhất, phải chăng Trung Quốc đã gian lận để giành
được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng năng lực học sinh của OECD?
Khampha/Slate (Theo Khampha/Slate)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.