Học thêm và những quái chiêu... ép

Thứ ba, ngày 09/11/2010 08:57 AM (GMT+7)
(Dân việt) - Nhiều phụ huynh phải cắn răng chi một khoản tiền không nhỏ hàng tháng cho con đi học thêm chính các thầy cô trong trường để tránh bị "trù". Thực tế này đã nảy sinh nhiều "quái chiêu" ép học sinh đi học.
Bình luận 0
img
Học sinh đi học ít vì không hào hứng lắm với các lớp học thêm. Ảnh chụp một lớp học thêm ở Xuân La (Hà Nội).

Không học thêm, kiểm tra làm đề riêng

Theo phản ánh của em Nguyễn Thị H, học sinh lớp 8 Trường THCS Xuân La (Hà Nội): Lực học của em cũng thuộc diện khá giỏi trong lớp, mặc dù không muốn học thêm tiếng Anh nhưng vẫn phải học vì sợ cô giáo trù.

H cho biết: "Lớp em có 30 bạn, nhưng chỉ có 13 bạn đi học thêm ngoài giờ với cô Nguyễn Cúc Hương dạy môn Anh văn. Vì thế, số bạn không đi học thường bị cô "chú ý" và không bao giờ được điểm cao khi làm các bài kiểm tra".

Một học sinh khác là Lê Duy B, học sinh lớp 7 Trường THCS Xuân La cũng cho biết: "Chuyện đi học thêm vì sợ cô giáo trù là chuyện bình thường. Nhiều bạn khi chưa đi học thêm thì điểm thấp lẹt đẹt, toàn 4 với 5. Sau một thời gian đi học các bạn đều được điểm 7, điểm 8". Tâm sự với PV, một số em còn dặn đi dặn lại "ai mà hỏi cô không được nói là cháu nói đâu đấy nhé"!

Cô Nguyễn Thị S ở Xuân Đỉnh, Từ Liêm (Hà Nội) đã từng có con theo học thêm 4 năm liền cô giáo chủ nhiệm tại Trường THCS Xuân La tiết lộ: "Giờ con lên cấp 3 rồi mới dám nói. Suốt 4 năm cho con đi học thêm mà không "cam lòng". Hồi đầu không định cho con đi học thêm vì thấy con lực học rất tốt, nhưng cô giáo chủ nhiệm cứ thường xuyên gọi điện đến nhà "nhắc khéo", nào là nên quan tâm đến con, chương trình học trên lớp nhiều sợ cháu về sau không theo kịp…

Sau đó con về đòi đi học thêm vì trong lớp có mấy bạn không đi học thêm khi kiểm tra cô cho làm đề riêng, rất khó. Thương con, chị đành cố gắng bỏ ra gần 1 triệu đồng một tháng để con học thêm mấy môn cô tổ chức dạy. Từ đó không thấy cô giáo gọi điện "hỏi thăm" nữa".

Mục sở thị một số lớp học thêm cho học sinh cấp 1, cấp 2 ở nhiều nơi, chúng tôi thấy rằng, hầu hết các lớp học này đều không đạt tiêu chuẩn, có bàn chỉ được 1m mà có 3 - 4 học sinh ngồi, bàn ghế quá thấp so với độ tuổi, phòng học chật hẹp.

Nhiều phòng các thầy cô đi thuê còn ẩm thấp, thiếu ánh sáng… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và sức khoẻ của học sinh. Lớp học của cô Lê Thị A - giáo viên chủ nhiệm lớp 1, Trường Tiểu học Phương Mai (Hà Nội) chỉ rộng 15m2 ở tầng 3 khu tập thể Kim Liên.

Phòng học chật chội, thiếu sáng và đông đúc chẳng khác nào các trung tâm luyện thi ĐH cấp tốc. Do nhà xa nên cô thuê căn phòng này để tiện cho học sinh đến học thêm. Để tránh tai mắt của bàn dân thiên hạ, cô cấm tất cả mọi người đến gần lớp học với lý do "ảnh hưởng đến việc học của các cháu", kể cả phụ huynh học sinh.

Đắt đỏ bỏ túi thầy

Anh Nguyễn Xuân D, nhà ở khu tập thể Kim Liên (Hà Nội), có hai con đang học lớp 2 tâm sự: Nhà hai vợ chồng làm công nhân viên chức, lại từ quê ra, khó khăn lắm tiền lương cũng chỉ đủ chi tiêu gia đình theo kiểu bình dân. Từ ngày hai đứa nhỏ đi học, mỗi tháng từ tiền học chính đến tiền học thêm cũng "ngót" 3 triệu đồng, hết tiền lương của mẹ cháu. Số tiền lương còn lại của anh chỉ đủ để trả tiền nhà, chi tiêu lặt vặt.

Anh D bức xúc: "Biết thế nhưng sợ con cái thiệt thòi một sợ thầy cô trù ẻo mười. Giờ xã hội thực dụng, thầy cũng có nhiều loại thầy nên đành cho cháu đi học cho chắc".

Nói rồi anh D phân trần, bản thân anh cũng là giáo viên dạy nghề lái xe, mỗi ngày làm cũng chỉ được 170.000 đồng, vậy nhưng mỗi buổi học 2 tiếng các cô thu 30.000 một học sinh. Cả lớp có trên 40 học sinh, như vậy mỗi buổi dạy cô giáo cũng kiếm được 1-1,5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với lương một giáo viên dạy nghề như các anh.

Chị Nguyễn Bích L, có con học lớp 9 tại Trường THCS Đông Ngạc (Hà Nội) cũng cho con học thêm tại lớp thầy Nguyễn Quang H ở Cổ Nhuế cho biết: Học 3 môn Toán, Lý, Hoá vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần, mỗi môn 40.000 đồng/2 tiếng, cộng thêm một số môn khác, mỗi tháng hơn 1 triệu tiền học thêm cho con.

"Cứ nói là giáo viên nghèo lắm, giáo viên thời nay nhờ biết dạy thêm mà giàu lên trông thấy, mỗi tiết 40.000 đồng, mà mỗi lớp 40 - 50 học sinh, thử hỏi mỗi thứ 7, Chủ nhật thầy kiếm bao nhiêu? Chỉ khổ phụ huynh không muốn cũng phải móc túi cho con đi học".

Mới đây, Bộ GD - ĐT có hướng dẫn về việc tổ chức học ngày 2 buổi tại trường trên cơ sở nhu cầu phụ huynh và học sinh đều tự nguyện. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều phụ huynh, hướng dẫn đó coi như thừa. Vì trên thực tế các trường đã tận dụng "kín" các buổi thứ 2 của ngày để phụ đạo, học kèm, học thêm, ngoại khoá… ngay trong trường. Và đương nhiên dù muốn hay không cha mẹ đều phải "tự nguyện".

Chị L cho biết: "Từ cấp 1 đến giờ con học cả ngày được coi là chuyện đương nhiên rồi, phụ huynh cũng chẳng ý kiến gì. Hóa ra việc học này bây giờ mới được Bộ hướng dẫn và cho phép".n

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giảng dạy ngoài giờ học chỉ được thực hiện các hoạt động giáo dục như: Giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục nghề phổ thông; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học; phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem