Học thuyết lượng tử về nhận thức: Linh hồn là một dạng thông tin

Thứ tư, ngày 14/12/2016 16:35 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều người cho rằng khoa học và tâm linh là hai thế giới đối nghịch, loại trừ nhau thì trên thực tế, có không ít nhà khoa học uy tín tin vào sự tồn tại của linh hồn. Họ còn dùng chính kiến thức khoa học để chứng minh và mô tả nó.
Bình luận 0

Học thuyết về linh hồn gây xôn xao

img

Hầu hết các tín ngưỡng, tôn giáo đều cho rằng, ngoài cơ thể, trí óc, con người còn sở hữu một thứ chỉ thuộc về bản thân, đó là linh hồn. Đến nay, khoa học vẫn phủ nhận sự tồn tại của linh hồn, nhưng số học giả có tiếng bảo vệ và cổ vũ ý tưởng về sự tồn tại của nó không hề ít.

Năm 2012, hai nhà khoa học vật lý lừng danh thế giới là tiến sỹ Stuart Hameroff (Mỹ) - Giáo sư danh dự thuộc khoa Gây mê và Tâm lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ý thức, Đại học Arizona và Roger Penrose (Anh) - đã gây xôn xao trong cộng đồng khoa học khi phát triển một học thuyết lượng tử về nhận thức.

Trong học thuyết này, linh hồn được coi là một phần của cấu trúc mà nhóm nghiên cứu gọi là vi ống - một tổ chức siêu nhỏ trong tế bào não.

Ý tưởng này bắt nguồn từ ý niệm rằng não là một máy tính sinh học với hàng tỷ neuron; kết nối sợi trục, khớp nối thần kinh hoạt động như một hệ thống thông tin hoàn chỉnh.

Theo học thuyết được các nhà khoa học Stuart Hameroff và Roger Penrose bắt đầu nghiên cứu từ năm 1996 này thì ý thức là kết quả của quá trình hấp dẫn lượng tử bên trong vi ống.

Điều này được thể hiện rõ khi con người trải nghiệm trạng thái chết lâm sàng. Khi đó, các vi ống mất trạng thái lượng tử, nhưng thông tin chứa trong nó thì không hề bị phá hủy. Hai tiến sỹ cho rằng, linh hồn không hề chết đi mà chỉ đi vào vũ trụ.

img

Sự tồn tại của linh hồn vẫn còn là điều gây tranh cãi. Ảnh minh họa: April-norris

"Khi trái tim ngừng đập, máu ngừng chảy, các vi ống mất đi trạng thái lượng tử, tuy nhiên thông tin trong vi ống không và không thể mất đi. Nó chỉ phân phối và tiêu tán vào vũ trụ.

Khi bệnh nhân tỉnh lại, hồi sinh, các thông tin lượng tử này có thể quay lại các vi ống. Nếu họ chết, các thông tin lượng tử có thể tồn tại ngoài cơ thể - dưới dạng một linh hồn" - tiến sỹ Hameroff cho hay.

Niềm tin của các nhà khoa học

Trước, trong và sau khi học thuyết lượng tử về nhận thức ra đời, rất nhiều nhà khoa học tin vào thực tế là linh hồn tồn tại.

Richard Swinburne - nhà triết học tôn giáo của Trường Đại học Oxford, Anh, tác giả của cuốn sách "Lý trí, bộ não và sự tự do của ý chí" - đã lên tiếng bảo vệ sự tồn tại của linh hồn:

"Để miêu tả toàn bộ thế giới này, bạn cần kể tới cả chủ thể của các trải nghiệm, không chỉ qua những trải nghiệm, qua cơ thể vật lý mà còn qua những vật thể tinh thần riêng rẽ mà chúng ta gọi là linh hồn. Bởi nếu không, bạn sẽ không thể mô tả được đời sống ý thức của họ ra sao".

Theo Swinburne, nếu chỉ có cơ thể và trí não, chúng ta sẽ chỉ là những chủ thể giống nhau. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta hoàn toàn khác nhau, nên chắc hẳn phải có một phần quan trọng nào đó tạo ra sự rạch ròi và chúng ta có thể gọi đó là "linh hồn của tôi".

"Linh hồn có thể không tự vận hành mà phải liên kết với một cơ thể. Khi đó, sự sống có thể tiếp diễn nếu như linh hồn nhập được vào cơ thể nào đó một lần nữa" - ông nói.

"Sự khác biệt giữa các linh hồn là không thể giải thích. Linh hồn là đặc thù phi vật chất. Nó có tính cách, đặc tính của riêng mình. Linh hồn cũng sở hữu suy nghĩ, cảm xúc, thái độ… Cách duy nhất để chúng thể hiện ra là thông qua sự gắn kết với cơ thể sống ".

Nhà vật lý học lý thuyết Henry Stapp - Đại học California - Berkeley, Mỹ nói: "Niềm tin vào linh hồn không phải là không có căn cứ khoa học. Linh hồn là sự độc lập về nhân cách của trí não hay phần sống sót còn lại của cơ thể sau khi chết".

Còn Giáo sư, tiến sỹ Hans-Peter Dür - nguyên Giám đốc Viện Vật lý Max Planck, Munich, Đức - cho rằng: "Sự tồn tại song song giữa cơ thể và linh hồn cũng chân thực như sự tồn tại song song của sóng và hạt vật chất nhỏ nhất".

Theo vị giáo sư này, trạng thái lượng tử của vũ trụ tồn tại ở cả vật thể sống và chết, dẫn tới sự tồn tại sau khi chết. "Chúng ta mới chỉ nhìn thấy khía cạnh vật chất của thế giới này.

Thứ tạo ra thế giới nằm ở ngoài khía cạnh vật chất và nó lớn hơn rất nhiều so với thế giới này. Theo cách này, cuộc sống hiện tại của chúng ta đang được bao bọc bởi cuộc sống sau khi ta chết".

"Sẽ thật là sai lầm nếu chúng ta loại bỏ linh hồn khỏi tự nhiên" - nhà vật lý hạt nhân đồng thời là nhà sinh học phân tử Jeremy Hayward - thuộc Đại học Cambridge, Anh - cho hay.

Nhà vật lý và là giáo sỹ John Polkinghorne định nghĩa linh hồn là phần mang thông tin bên trong hạt nhân. Phần linh hồn này sẽ không bị thối rữa khi chúng ta chết mà "sẽ được Chúa dùng để tái sinh".

PV (khoahocphattrien.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem