Có lẽ chẳng nhiều người biết rằng rất nhiều bậc phụ huynh tại nước Anh gần đây đã đưa con em họ tới học tại một ngôi trường mẫu giáo đặc biệt ở trong rừng, có tên "Into the Woods” ở phía Bắc nước này. Đây là trường mẫu giáo trong rừng đầu tiên tại Xứ sở sương mù, với mong muốn khuyến khích trẻ năng vận động và tích cực tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên.
Mỗi sáng các bé được đưa đến khu rừng Queens Wood để học trong những túp lều, vui chơi trong rừng.
"Khi học ngoài trời, các bé không cảm thấy bị áp lực như ở các lớp học truyền thống”, cô Emma Shaw sáng lập trường mẫu giáo đặc biệt này nhận xét. Một đồng nghiệp kể với tôi câu chuyện này ngờ rằng, ở nước mình thì đến các anh chị sinh viên, các thầy cô giáo cũng không dám "vào rừng học”. Không hẳn chỉ vì ở đó thiếu an toàn, sợ lâm tặc tấn công, mà còn vì những lý do có lẽ chỉ có… nhà trường mới tưởng tượng ra hết.
Vẫn biết các bậc học nước ta đang có đổi mới. Tiểu học bỏ chấm điểm chẳng hạn. Vẫn biết các trường ĐH được tăng tự chủ tự chịu trách nhiệm, cả trong tuyển sinh và tăng giảm học phí… Nhưng việc các trường ĐH vừa liên tiếp ra quy chế quy định trang phục, ứng xử giao tiếp đối với giảng viên, sinh viên trong trường, có việc cấm giảng viên mặc quần jeans, đi dép lê, không ngồi trong bóng tối, dưới gốc cây để đảm bảo quan hệ trong sáng…, liệu có chắc tạo được môi trường văn hóa, lịch sự; phong cách ứng xử chuẩn mực trong giảng đường?
Thật ra nếu không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ trong khuôn viên trường, không mặc váy xẻ cao, trang phục mỏng, nhuộm tóc lòe loẹt…, mà quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc thì quy định vậy cũng tốt. Chí ít cũng nhắc người học người dạy về phong cách học đường.
Chỉ có điều, từ vụ các lớp học trong rừng như ở Anh được cho là rất tốt khi đa số trẻ quá ham các trò chơi điện tử trên thiết bị thông minh, lại ngậm ngùi cho các loại quy chế "hướng thiện” trong học đường của ta. Muôn thuở vẫn kiểu quy chế "Giấy phép con”, khi mà nhuộm tóc lòe loẹt hay trang phục mỏng là những khái niệm khó định nghĩa chính xác.
Vì thế, đã có những quy định đã không nhận được sự đồng tình của thầy cô giáo trong trường, hiệu trưởng phải lên tiếng đính chính đó chỉ là quy định tạm thời có tính tham khảo, nếu chưa chặt chẽ sẽ bổ sung và sai thì hủy!
Học trong rừng và "ngồi trong bóng tối nói chuyện” đều là những chuyện cần dạy từ thuở còn thơ. Dạy con trẻ biết tự chịu trách nhiệm, dám lựa chọn, có giải pháp cho mình khi đối mặt với các tình huống… Bé không vin, lớn mới dễ gãy cành. Chính vì vậy trên thế giới người ta đang nỗ lực xóa bỏ tình trạng nhà trường, giáo viên, cha mẹ "độc quyền chân lí”, mà đi đầu là đề cao việc giáo dục kỹ năng, đam mê trải nghiệm, khám phá từ khi trẻ còn nhỏ. Trông người rồi nghĩ đến ta.
(Theo Đại Đoàn Kết)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.