Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo

Diệu Thuỳ Thứ hai, ngày 04/03/2024 16:17 PM (GMT+7)
Sự ra đời ồ ạt của các công cụ AI đã mang đến những trăn trở không nhỏ cho cha mẹ và người làm giáo dục: Thế giới tương lai sẽ như thế nào? Những nghề nghiệp nào sẽ biến mất bởi AI? Liệu trường học hiện tại có giúp con theo kịp làn sóng mới này?...
Bình luận 0

Làm thế nào để trẻ em hiểu về AI và các ứng dụng của AI trong thế giới hiện tại và tương lai trở thành một vấn đề cấp thiết? Nhưng học về AI không khô khan như nhiều người vẫn nghĩ. Cuốn sách sẽ mang AI đến gần với trẻ em thông qua những trò chơi và hoạt động trải nghiệm vui nhộn, giàu cảm hứng, kết nối một cách thân thuộc với cuộc sống và việc học hàng ngày.

"Xin chào AI! Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo" được viết cho cả trẻ em và người lớn, vì với thế giới AI, trẻ con hay người lớn đều bỡ ngỡ như nhau. Được thể hiện bằng giọng văn hướng tới trẻ em và ngôn ngữ dễ hiểu để những em đã biết đọc và được phép sử dụng các thiết bị số có thể tự mình khám phá AI một cách lành mạnh, nội dung sách cũng bao gồm cả những chỉ dẫn như một giáo án chi tiết để cha mẹ, thầy cô có thể dùng nó để hướng dẫn cho con em mình tìm hiểu về AI một cách dễ hiểu, sinh động.

Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo- Ảnh 1.

"Xin chào AI! Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo" của nhà giáo Nguyễn Thúy Uyên Phương

Tác giả Nguyễn Thúy Uyên Phương là một nhà giáo dục tiên phong trong việc đưa các mô hình giáo dục tiến bộ về Việt Nam. Cô là người sáng lập TOMATO Children's Home; Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Design for Change. Cô cũng là người đưa về Việt Nam Trường học Kiến tạo (I Can School), các chương trình Cha mẹ Hiệu Quả P.E.T, Giáo viên Hiệu quả (T.E.T). Cô còn được biết đến như một chuyên gia tư vấn hàng đầu trong việc hỗ trợ các trường học đổi mới triết lý giáo dục, hiệu quả giảng dạy và nâng cao năng lực cho giáo viên. Hiện cô đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Illinois (Hoa Kỳ), chuyên ngành Learning Design and Leadership, với trọng tâm là thiết kế và dẫn dắt các mô hình học tập mới cho tương lai.

Nói về lý do viết cuốn sách này, nhà giáo Uyên Phương cho biết: "Là người làm giáo dục thì tôi thường xuyên phải quan sát và dự báo về những gì xảy ra trong tương lai, để mà chuẩn bị học sinh của mình cho tương lai đó. Khi chứng kiến những đổi thay do AI mang lại trong các lĩnh vực khác nhau thì tôi có thể cảm nhận một cách rất rõ ràng rằng: nếu giáo dục của chúng ta không đổi mới để bắt kịp với những thách thức rất lớn của thời đại mà AI là một tác nhân thúc đẩy quan trọng thì rất có thể, con em chúng ta sau 10, 15 năm nữa sẽ không thể tìm thấy chỗ đứng của mình trong thời đại đó".

Nếu như trước đây chúng ta có những cuộc cách mạng công nghệ mà máy móc thay thế những công việc lao động chân tay của con người, thì với cuộc cách mạng công nghệ do AI dẫn dắt lần này thì có thể thấy trí tuệ nhân tạo đang thay thế dần cả những công việc mà chúng ta cứ nghĩ là thế mạnh của con người, rất nhiều công việc trong đó là những công việc là lao động bậc cao.

"Do đó, tôi viết cuốn sách này để mong ước khởi xướng lên một nhận thức rằng là đã đến lúc các nhà trường, các bậc cha mẹ sẽ phải thay đổi cách giáo dục con em mình để có thể bắt kịp và không bị đào thải trong làn sóng rất mới này", bà Uyên Phương nói.

Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo- Ảnh 2.

Làm thế nào để trẻ em hiểu về AI và các ứng dụng của AI trong thế giới hiện tại và tương lai trở thành một vấn đề cấp thiết?

Theo tác giả, cuốn sách này chỉ là một lát cắt rất hẹp, và sẽ cần rất nhiều những dự án, những tác phẩm khác để tiếp tục mổ xẻ cái viễn cảnh mà những gì chúng ta cần chuẩn bị con em mình trong tương lai dẫn dắt bởi AI trong đó.

"Nhưng tôi hy vọng rằng là tiếng nói đầu tiên từ cuốn sách này sẽ khơi lên sự chú ý của mọi người về việc ứng dụng AI trong giáo dục, hay là chúng ta sẽ thay đổi giáo dục như thế nào để có thể bắt kịp với thời đại AI", bà Uyên Phương chia sẻ và nói thêm, thực ra giáo dục AI không phải là học với robot, không phải là một giờ công nghệ hay vi tính cộng thêm mà vấn đề đặt ra rằng là làm thế nào để con em chúng ta có được những tư duy mới, những kỹ năng mới để có thể là người chủ động dẫn dắt những đổi thay này, song hành với AI, thay vì là một người bị động, chịu tác động, chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhà giáo dục cũng cho rằng, một trong những điều quan trọng mà chỉ con người có mà AI không có chính là các giá trị nhân văn. Cái máy cho dù thông minh đến đâu, nó cũng chỉ là cái máy. Trong cuộc sống này sẽ có những cái quyết định, những cái lựa chọn chúng ta phải đưa ra, không phải dựa trên thông tin, không phải dựa trên trí óc mà dựa vào trái tim. 

Do đó, một điều rất quan trọng trong giáo dục về AI nữa là làm thế nào để vừa tận dụng được sức mạnh của máy móc để giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn nhưng quan trọng hơn hết là những vấn đề đó nó phải được giải quyết dựa trên những giá trị nhân văn của con người, chứ không phải đơn thuần là dựa trên lý trí của một cái máy.

Về vai trò của phụ huynh trong việc giáo dục tiếp cận AI, bà Phương nhận định, để nuôi dưỡng sự ham mê khám phá về chủ đề rất mới này ở con thì điều phụ huynh cần làm không có gì cao xa cả. Điều đầu tiên là chính mình hãy bày tỏ sự quan tâm và hào hứng với chủ đề này. Bởi vì đứa trẻ thường sẽ bị ảnh hưởng rất là nhiều từ cái cách mà cha mẹ quan sát cuộc sống, cha mẹ coi trọng điều gì hay không coi trọng điều gì.

Cuốn sách được viết với giọng văn hướng tới trẻ em và ngôn ngữ dễ hiểu để những em đã biết đọc và được phép sử dụng các thiết bị số có thể tự mình khám phá AI một cách lành mạnh. Cuốn sách cũng bao gồm cả những chỉ dẫn như một giáo án chi tiết để cha mẹ, thầy cô có thể dùng nó để hướng dẫn cho con em mình tìm hiểu về AI một cách dễ hiểu, sinh động.

Cuốn sách gồm 3 chương với nhiều chủ đề. Mỗi chủ đề không chỉ giúp các em làm quen, khám phá với một ứng dụng AI thú vị, mà còn mở ra một đề tài của cuộc sống để các em tìm hiểu. Trong từng chủ đề là các hướng dẫn triển khai trò chơi, hoạt động tương tác, dự án khám phá, bài tập thực hành... với các chỉ dẫn chi tiết để giáo viên hoặc cha mẹ có thể dễ dàng triển khai các hoạt động này trong lớp học hay gia đình mình, chỉ với các thiết bị quen thuộc như máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem