Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam: "15 phút mỗi ngày, cha mẹ cứu con khỏi bị xâm hại tình dục"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 25/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Các vụ việc gần đây cho thấy, người thân quen cũng có thể là thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em. Do đó, cha mẹ phải luôn tin tưởng, đồng hành cùng con trẻ, tìm hiểu tâm lý của con", đại diện Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam chia sẻ.
Bình luận 0

Trò chuyện với con 15 phút mỗi ngày 

Trong những ngày gần đây, dư luận và xã hội không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót khi liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, An Giang, Đăk Nông... với diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trong đó có một số vụ nạn nhân còn rất nhỏ tuổi, để lại hậu quả vô cùng thương tâm. 

Đáng lưu ý, kẻ thủ ác lại không ai khác lại là những người có quan hệ thân thiết, hàng xóm, cha dượng, chủ nhà, những người thân của trẻ.

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam: "15 phút mỗi ngày, cha mẹ cứu con khỏi bị xâm hại tình dục" - Ảnh 1.

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm "Xâm hại tình dục trẻ em: Đương đầu hay thoả hiệp?", bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cho biết: "Ai cũng có vai trò trong việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất, là lá chắn bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ. 

Theo Báo cáo số 51/BC-CP của Chính phủ ngày 18/2/2020, thủ phạm của các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, người quen chiếm 59,4%, người thân trong gia đình 21,3%, giáo viên nhân viên nhà trường chiếm 6,15%, các nhóm khác là 13,15%.

Các vụ việc gần đây cho ta thấy người thân quen cũng có thể là thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em, do đó, cha mẹ phải luôn tin tưởng, đồng hành cùng con trẻ, tìm hiểu tâm lý của con. Hàng ngày hỏi chuyện con khoảng 15 phút cũng có thể biết được con gặp các rủi ro nào. Đặc biệt, hãy hướng dẫn để con biết rằng cơ thể mình bất khả xâm phạm, kể cả người thân nếu con không muốn. Nếu có vấn đề gì hãy kể ngay với những người mà con tin tưởng.... 

Nếu chẳng may con em mình bị xâm hại tình dục, chúng ta cũng không thể thoả hiệp mà phải đương đầu, phải trình báo để các cơ quan chức năng vào cuộc bắt kẻ thủ ác. Đó cũng là cách bảo vệ con mình và cũng bảo vệ để không có trẻ em nào khác nữa bị xâm hại tình dục".

Vì sao vụ án trẻ bị xâm hại tình dục bị chìm đi? 

Có một thực trạng đang diễn ra phổ biến là tuy rất nhiều vụ việc đã được trình báo, tố tụng nhưng sau đó lại có xu hướng chìm đi hoặc kéo dài, khiến cho gia đình và nạn nhân cảm thấy nản chí không muốn tiếp tục. 

Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: "Đối với trường hợp những sự việc kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là do trình báo chậm trễ. Nếu không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Một số trường hợp gia đình không phối hợp trong quá trình điều tra vì họ không đủ tin tưởng để hợp tác và cũng có thể do họ bị đe doạ không được khai báo, trình báo, hoặc nạn nhân có thể có những thay đổi tâm lý, không muốn hợp tác điều tra. 

Nhưng nếu im lặng, nạn nhân có thể tiếp tục bị xâm hại. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người tố tụng cũng phải nâng cao hơn nữa thì mới có thể hỗ trợ tốt nhất cho nạn nhân và gia đình".

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam: "15 phút mỗi ngày, cha mẹ cứu con khỏi bị xâm hại tình dục" - Ảnh 3.

Nếu chẳng may con em mình bị xâm hại tình dục, chúng ta cũng không thể thoả hiệp mà phải đương đầu. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế khi trực tiếp hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Khánh Linh - Cán bộ Ngôi nhà bình yên chia sẻ: "Những vụ việc của các nạn nhân đến với Ngôi nhà bình yên đa phần đã xảy ra rất lâu mà không được trình báo. Các nạn nhân gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, đồng thời việc trả lời nhiều lần những câu hỏi trong quá trình điều tra dẫn đến việc tái sang chấn đối với nạn nhân. 

Có những nạn nhân mất đến 6 tháng mới bình ổn tâm lý, tuy nhiên họ không trở về nhà mà tiếp tục ở lại những tổ chức cộng đng hoặc mái ấm để hoà nhập. Cũng có những trường hợp, sau thời gian dài điều tra, gia đình lại đổ lỗi cho nạn nhân. Việc theo đuổi tìm lại công bằng cho con em mình đôi khi khiến nạn nhân bị bỏ quên với những tổn thương tâm lý".

Bà Ninh Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam cho biết, thường các bậc phụ huynh thấy con mình bị xâm hại là về nhà phải tắm rửa sạch sẽ cho con. Đấy là việc làm cực kỳ sai. Cần phải lưu giữ tất cả bằng chứng từ vết máu, tinh trùng còn sót lại trên cơ thể cháu bé. Dù có đau lòng nhưng đó mới là cách để đòi lại công bằng cho con em họ và cả những nạn nhân sau này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem