Nước lớn kiểu mới
Sau 2 ngày tới Mỹ với lịch làm việc khá dày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được nhận thức chung rộng rãi với Mỹ về thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đàm phán về Hiệp định Đầu tư song phương, đẩy nhanh tiến độ làm việc để đạt được một hiệp định trình độ cao, chất lượng cao và cân bằng hai chiều.
Cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung ngày 25.9 (theo giờ Mỹ) tại Nhà Trắng đã không giải quyết được những vấn đề nóng trên Biển Đông hiện nay. Ảnh: Reuters
Không nằm ngoài dự đoán của dư luận thế giới, vấn đề đầu tiên hai lãnh đạo trao đổi là mối quan hệ nước lớn kiểu mới. Ông Tập Cận Bình đã có dịp để tuyên bố chính thức về những điểm chính trong quan hệ nước lớn kiểu mới mà Trung Quốc sẽ cùng Mỹ xây dựng, không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác dù cũng còn những bất đồng cần đề cập thẳng thắn và xây dựng.
Tân Hoa xã đưa tin, một ngày sau khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình hội đàm tại Washington, Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh đưa ra một thông cáo cho biết hai nước đã tìm được mẫu số chung cho một loạt vấn đề. Thông cáo nói: “Đôi bên đồng ý tăng cường sự hợp tác thực tế trong việc phòng chống tham nhũng, phát giác những công quỹ bị biển thủ, trao đổi bằng chứng, chống lại nạn hối lộ xuyên quốc gia, dẫn độ đối tượng bị truy nã và những người di cư bất hợp pháp, bài trừ ma tuý và chống khủng bố”.
Biển Đông “giậm chân tại chỗ”
Lần đầu tiên Tổng thống Obama hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách hòa bình, ổn định, thịnh vượng và là đối tác có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Ông Obama nhấn mạnh lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc sẽ là những đối tác chính thức thúc đẩy phát triển toàn cầu.
|
Đề cập vấn đề khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Tập Cận Bình nói rằng, hai nước Trung - Mỹ có lợi ích chung rộng rãi tại khu vực này, cần phải sâu sắc, đối thoại và hợp tác, nỗ lực xây dựng quan hệ tương tác tích cực và hợp tác bao dung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa hai nước; cùng với các nước trong khu vực thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên về vấn đề Biển Đông, dù bị Tổng thống Obama thẳng thắn nêu ra yêu cầu Bắc Kinh phải ngừng xây dựng ở các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng ông Tập Cận Bình vẫn giữ quan điểm chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình bênh vực cho yêu sách của Trung Quốc và nói rằng hoạt động xây dựng trên những hòn đảo nhân tạo không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào và nhấn mạnh rằng Trung Quốc “không có ý định theo đuổi mục tiêu quân sự hoá”.
Với những luận điệu về Biển Đông không có gì mới mẻ, giới phân tích cho rằng, hồ sơ Biển Đông vẫn “giậm chân tại chỗ” trong cuộc hội đàm cấp cao này.
Cụ thể, tại cuộc hội đàm, ông Tập Cận Bình vẫn thể hiện quan điểm phi lý của Trung Quốc khi cho rằng: “Các đảo trên Biển Đông từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển hợp pháp và chính đáng của mình”.
Giới phân tích cho rằng, tuyên bố này của ông Tập Cận Bình không phù hợp với các bằng chứng pháp lý mà các nước, trong đó có Việt Nam đã đưa ra. Những gì mà Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian qua trên Biển Đông đã thực sự làm dư luận thế giới bức xúc, lên án.
Trong khi đó, quan điểm của Mỹ về Biển Đông đã không đủ mạnh mẽ để Bắc Kinh chùn bước. Và câu hỏi lại được đặt ra: Mỹ có thật sự quyết tâm ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông hay không? Chỉ có thời gian mới trả lời chính xác được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.