Hối hả đối phó với bão chồng bão

Thứ ba, ngày 27/09/2011 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong ngày 26.9, các tỉnh miền Trung đã triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách đối phó với cơn bão số 4 được dự báo sẽ đổ bộ vào sáng nay (27.9) và bão số 5 đang hướng vào.
Bình luận 0

Sơ tán hàng trăm hộ dân

Tại Quảng Trị, hôm qua nước trên các sông Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải... dâng nhanh, có nơi xấp xỉ báo động 2. Khoảng 2.500ha lúa chưa kịp thu hoạch của bà con các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong đã bị ngập sâu do mưa lũ.

img
Ngư dân Quảng Nam đưa thuyền, máy móc vào bờ tránh bão. Ảnh chụp chiều 26.9

Trước tình hình đó, các lực lượng vũ trang đã xuống giúp dân tháo úng đồng ruộng, nhanh chóng thu hoạch sản phẩm nông nghiệp và giúp các hộ neo đơn, già yếu chằng chống nhà cửa.

Tại Đăkrông, lực lượng Bộ đội và Công an huyện đến giúp dân ở 3 địa phương dễ bị ngập lũ, thiệt hại mỗi khi gió bão đổ bộ vào, gồm các xã Ba Lòng, Hải Phúc và các cụm dân cư sinh sống dọc hai bên đường 14.

Tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, các lực lượng chức năng giúp bà con ngư dân ở vùng cảng cá, bãi tắm, các thôn An Đức 1, 2 và 3 kéo 130 tàu thuyền đánh cá đến neo đậu trú tránh bão an toàn.

Đến 17 giờ cùng ngày đã di dời xong 86 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu ở các khu dân cư thấp lũ trên địa bàn đến nơi trú tránh bão, lũ.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, lực lượng chức năng đã giúp chằng níu, neo đậu xong số tàu thuyền của bà con ngư dân ở đây; đồng thời đã chuẩn bị nơi ăn ở cho bà con và giúp các gia đình chằng chống nhà cửa. Từ chiều 26.9, nhiều trường học ở huyện vùng trũng Hải Lăng và các địa bàn hiểm trở ở hai huyện miền núi Đăkrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) đã bắt đầu cho học sinh nghỉ học.

Tại Quảng Ngãi, mưa lớn đã làm sụp và nhấn chìm trong lũ 41 ngôi nhà, một số tuyến đường bị chia cắt. Tỉnh này đã khẩn trương sơ tán được 26 hộ/125 khẩu trong vùng trũng, thấp tại thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa và Trường Thọ Đông, huyện Sơn Tịnh.

Đường bị sạt lở nặng

Tại Thừa Thiên - Huế, mưa lớn liên tiếp đã khiến các bờ của sông Bồ, Ô Lâu, sông Hương và sông Truồi bị sạt lở nặng trên tổng chiều dài 70km, khiến 2.419 hộ dân bị uy hiếp. Ngoài ra, bờ biển tại các huyện cũng bị sạt lở nghiêm trọng trên chiều dài 8km. Đường Hồ Chí Minh cũng bị sạt lở taluy dương 1.353m đất ở khu vực đèo Pê Ke, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới.

Theo tổng hợp, toàn tỉnh Thừa Thiên- Huế có 25.130 hộ dân với hơn 102.000 nhân khẩu đang sống trong khu vực nguy hiểm bởi nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Toàn bộ số dân này sẽ được di dời đến các cơ quan, trường học, nhà cao tầng kiên cố để bảo đảm an toàn.

Đến chiều cùng ngày, toàn bộ 1.981 tàu thuyền của tỉnh đã vào nơi trú ẩn an toàn. Sở Công Thương đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 100.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diesel và 30.000 lít dầu hỏa để tỉnh điều động khi cần thiết.

Đến chiều 26.9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 2 người chết do mưa lũ là ông Phạm Thăng (50 tuổi) và vợ là Nguyễn Thị Chung (42 tuổi, ngụ tổ 3, phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy. Hai người này thiệt mạng do tối 25.9 chèo thuyền ra sông Đại Giang đánh cá thì bị mưa lớn và gió mạnh khiến thuyền lật úp, đến trưa 26.9 mới tìm thấy xác.

Dân nuôi tôm trắng tay

Nước lên nhanh đã cuốn trôi nhiều diện tích tôm nuôi của nông dân Quảng Nam. Hàng trăm ha tôm thẻ chân trắng ở TP.Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình có nguy cơ bị mất trắng.

Chiều 26.9, ông Trương Công Tân (Tam Phú, Tam Kỳ) than thở: “Gia đình tôi vay 70-80 triệu đồng đầu tư cho vụ tôm này bây giờ mất trắng. Tôm dưới ao đã thả nuôi được 90 ngày tuổi rồi nhưng không thể xuất bán được lý do nước lũ đã tràn ngập bờ bao của ao nuôi sâu 2m không thể dùng lưới kéo bắt được”.

Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 26.9, vẫn còn 35 tàu/488 người đang hoạt động tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Trong đó Quảng Ngãi 23 tàu/333 người; Quảng Nam 12 tàu/155 người... Riêng tỉnh Quảng Ngãi, tại vùng biển Trường Sa, còn 87 tàu/2.007 lao động.

Nhiều nơi ở Quảng Nam, nông dân tấp nập đi mua lưới mành mành về cắm cọc che chắn bao quanh hồ nuôi để bảo vệ không cho tôm trôi hết ra sông do nước lũ dâng lên. Tuy nhiên đây chỉ là biện pháp được chăng hay chớ.

Ông Nguyễn Xuân Luận -Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cho biết, cả xã có đang có 160ha tôm nuôi. Trong đợt mưa bão này, phần lớn người dân nuôi tôm của xã bị thiệt hại do tôm chưa đủ ngày tuổi thu hoạch được, vớt lên bán không ai mua mà để thì lũ cuốn trôi hết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem