“Hối lộ tình dục” để thăng quan tiến chức: Khó xác định hành vi

Lương Kết Thứ sáu, ngày 10/03/2017 10:09 AM (GMT+7)
Vấn đề luật hóa hành vi “hối lộ tình dục” đã được các Đại biểu Quốc hội đặt ra trong kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Đến nay, câu chuyện này vẫn nóng hổi với hàng loạt vụ việc quan chức Trung Quốc liên quan tới hối lộ tình dục bị phanh phui thời gian qua. Thực tế ở Trung Quốc như vậy và ở Việt Nam cũng khó tránh khỏi hành vi này.
Bình luận 0

Trao đổi với Dân Việt, nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng Trần Ngọc Vinh nhận định: “Hành vi hối lộ tình dục thường xảy ra khi một người không có nhiều lợi thế về khả năng, trình độ, nhưng lại có nhan sắc và tuổi trẻ. Khi đó, họ có những ưu thế nhất định để “tấn công” những vị quan chức không giữ được mình. Nhờ đó, họ sẽ có được sự thăng tiến vượt bậc trong một khoảng thời gian ngắn mà một công chức bình thường khó có thể có được. Với những trường hợp này, dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi có hay không hành vi “hối lộ tình dục”?”.

img

Rất khó xác định hành vi hối lộ tình dục (Ảnh: Báo Bình Phước).

Cũng theo ông Trần Ngọc Vinh, để tránh những dị nghị, dư luận về hành vi hối lộ tình dục trong việc thăng tiến, nhất định trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, yếu tố minh bạch, công khai, đúng trình tự luôn phải đặt lên hàng đầu.

“Qua rà soát cũng như phát hiện của báo chí thời gian qua, chúng ta có thể thấy không chỉ ở nước ngoài mà ngay ở Việt Nam cũng có một số trường hợp thăng tiến bất thường. Có trường hợp thăng tiến nhanh do thuộc diện “con ông cháu cha”, có trường hợp do thân quen, có trường hợp có dấu hiệu dùng tiền bạc để “chạy”. Và cũng không loại trừ có trường hợp dùng ngoại hình để tạo đà thăng tiến”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cho biết thêm, khi xây dựng Bộ luật hình sự 2015, Quốc hội đã bổ sung thêm quy định rất mới về hành vi nhận hối lộ. Ví dụ: Khoản 1 Điều 354 tội nhận hối lộ quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù 2-7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác… b) Lợi ích phi vật chất.

“Có thể hiểu quy định “lợi ích phi vật chất” bao hàm cả hành vi hối lộ tình dục. Tuy nhiên thế nào là hành vi hối lộ tình dục thì vẫn khó xác định. Ví dụ, có thế người ta nói đến với nhau là chỉ vì thích, cặp bồ thì sao. Bởi cái đó liên quan đến quyền con người, quyền riêng tư của mỗi người”, ông Vinh nhận định.

Do vậy, để chứng minh trường hợp nào đó “hối lộ tình dục” các quan chức thoái hóa biến chất nhằm vụ lợi, tiến thân không hề đơn giản.

“Chuyện này thường diễn ra rất kín đáo, không phải dễ bắt quả tang như việc hối lộ tiền bạc, vật chất thông thường dù việc bắt quả tang hối lộ tiền bạc cũng không hề dễ. Việc người phụ nữ hoặc đàn ông nào đó “quan hệ” với sếp của họ thì chưa có ranh giới nào để xác định đó là hành vi “hối lộ tình dục” hay chỉ đơn thuần là “có tình cảm với nhau”” , ông Vinh băn khoăn.

Theo ông Vinh, để hạn chế việc lãnh đạo “nâng đỡ” người này, người kia thăng tiến một cách bất thường, đã có những quy định về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, tới đây có thể sẽ được điều chỉnh, bổ sung thêm.

“Nếu nơi nào đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, cố tình làm sai thì chưa cần biết mục đích phía sau của anh là gì, nhưng gây mất công bằng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người thì sớm muộn việc đó cũng bị phanh phui. Trước mắt người có sai phạm sẽ bị xử lý về mặt Đảng, xử lý hành chính về mặt Nhà nước. Nếu có dấu hiệu hình sự sẽ bị điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Vinh khẳng định.

Trước đó vào cuối tháng 10.2014, tại hội thảo về hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật hình sự, ông Nguyễn Doãn Khánh - lúc đó là Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - cho biết hành vi đưa hối lộ rất đa dạng, phong phú nên quy định hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải sớm khắc phục. Bên cạnh các yếu tố vật chất thì người đưa hối lộ đang sử dụng những lợi ích khác không thua kém như chạy thành tích, khen thưởng, danh hiệu hoặc tình dục để đạt được mục đích của mình.

Ông Khánh khẳng định, ở nước ta việc "hối lộ tình dục" chắc chắn là có. Chính vì thế vấn đề này cần phải được nghiên cứu khi đưa vào dự thảo Bộ luật hình sự năm 2015.

Đề cập đến vấn đề “hối lộ tình dục” với báo chí bên hàng lang Quốc hội khóa XIII, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: Nếu định vào tội hối lộ tức là người ta đưa cho người có chức quyền một lợi ích vật chất hoặc tinh thần nào đó để được người kia cho lại họ một quyền lợi hoặc lợi ích trái pháp luật. Nhưng về quan hệ tình dục thì không xác định được, kể cả khía cạnh tội phạm cũng không biết xét thế nào, kể cả chủ quan và khách quan.

Còn Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH TP.HCM) nhìn nhận: Tình dục cũng là một công cụ dùng để hối lộ nên khi xây dựng Luật, cần có quy định để điều chỉnh phù hợp. “Mục đích của là chúng ta là chống tham nhũng, tiêu cực nên những hành vi nào để hối lộ đều phải chống. Ở Việt Nam, chúng ta mới chú ý tới hối lộ bằng hiện vật mà ít chú ý tới các hình thức khác như tạo cơ hội, lợi thế, thăng tiến...”, ông Nghĩa nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem