Việt Nam - Hàn Quốc sẽ nâng kim ngạch thương mại đạt 150 tỷ USD vào năm 2030
Hội nghị gặp gỡ Việt Nam-Hàn Quốc: Ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, tạo điều kiện Việt Nam tham gia chuỗi giá trị
Hữu Dụng - Hoài Thu
Thứ sáu, ngày 25/03/2022 18:11 PM (GMT+7)
Hướng tới kỷ niệm 30 năm (22/12/1992 - 22/12/2022) thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, chiều 25/3, tại TP.Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ Việt Nam - Hàn Quốc năm 2022.
Tại Hội nghị, đại biểu các bộ ngành, địa phương Việt Nam cùng các đối tác, doanh nghiệp Hàn Quốc tập trung thảo luận các định hướng và biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc phát triển sâu rộng và thực chất trong các lĩnh vực hợp tác thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ hoan nghênh và đánh giá cao tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc 2022 có quy mô cấp vùng, với 650 đại biểu tham dự.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nêu rõ: Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, mở ra nhiều cơ hội mới, phát triển mới, quan hệ mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Thanh Hóa - Hàn Quốc. Trong 30 năm quan hệ hợp tác với Việt Nam, Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực.
Hàn Quốc có những điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc đang vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.223 dự án còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn lũy kế đến tháng 12/2021 là 74,7 tỷ USD; là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỷ USD trong năm 2021. Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ gần 1,4 triệu liều vaccine cho Việt Nam phòng chống dịch.
Ngoài ra, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao đã nêu bật ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc 2022 được tổ chức tại Thanh Hóa để các địa phương tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhất là tỉnh Thanh Hóa, nơi có nhiều tiềm năng, thế mạnh và đang trong thời kỳ dân số vàng… được các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm và có ý định sẽ đầu tư trong thời gian tới. Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao hy vọng, sau hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc 2022, sẽ có nhiều dự án được các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các địa phương ở khu vực miền Trung, nhất là trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trên cơ sở đó, Việt Nam có sự chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án đáp ứng ba điều kiện. Một là, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển. Hai là, có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Ba là, thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Hợp tác giữa hai nước thời gian qua đã đạt nhiều thành quả thiết thực trên các lĩnh vực, trong đó, hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng, là điểm sáng trong hợp tác hai nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ sự tin tưởng, hai quốc gia sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD vào năm 2030.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Đồng hành cùng những giai đoạn lịch sử phát triển tốt đẹp, rực rỡ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc đã không ngừng phát triển. Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực của tỉnh Thanh Hóa.
Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc năm 2022 tại Thanh Hóa chính là nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang 30 năm kể từ khi hai nước Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, qua đó tăng cường củng cố, bồi đắp và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Với tinh thần "Hội tụ nguồn lực, đẩy nhanh phục hồi và phát triển bền vững", tỉnh Thanh Hóa mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc để góp phần thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Việt Nam; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Phát biểu tại sự kiện, ông Park Noh Wan - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ với những khó khăn mà Việt Nam đã gặp phải trong suốt hơn hai năm đại dịch, tuy nhiên theo đánh giá của ông Park Noh Wan, Việt Nam đã khéo léo khắc phục đại dịch, cùng lúc đạt được hai mục tiêu "phòng chống dịch" và "phát triển kinh tế", qua đó một lần nữa chứng minh với toàn thế giới rằng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
"Giờ đây, Hàn Quốc và Việt Nam đã tái xây dựng hệ thống đi lại, giúp nhân dân hai nước có thể đi lại tự do thông qua việc khôi phục đường bay. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng việc đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc vốn chững lại trong thời gian qua sẽ nhanh chóng được nối lại, giao lưu nhân dân và giao lưu vật chất giữa hai nước sẽ phát triển vượt bậc" - ông Park Noh Wan bày tỏ.
Đại sứ Park Noh Wan nhấn mạnh, Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, có điểm mạnh là xây dựng được vùng tự do thương mại với các khu vực kinh tế chính thông qua ký kết các hiệp định RCEP, CPTPP, VN-EU FTA. Việt Nam đã gây dựng năng lực ứng phó với khủng hoảng y tế có thể phát sinh ở bất kỳ thời điểm nào trong tương lai. Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện để các doanh nghiệp trên thế giới tìm đến đầu tư. Việt Nam cần tận dụng tốt các cơ hội này và nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài.
Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, Hàn Quốc và Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng vững chắc, kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 80,7 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử. Quy mô đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam vẫn đứng thứ nhất, đạt mức 74,6 tỷ USD, Hàn Quốc cũng đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư mới năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.