Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV

P.V Thứ sáu, ngày 04/11/2022 06:50 AM (GMT+7)
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV.
Bình luận 0

Tham dự Hội nghị có đồng chí: Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; UBND tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị; đại biểu 06 Sở KH&CN vùng Bắc Trung Bộ và các Sở KH&CN tỉnh: Sóc Trăng, Đà Nẵng, Quảng Ninh.

Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XIV - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế tặng hoa cho Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình đăng cai Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ năm 2024. Ảnh BTC.

Giai đoạn 2018-2022, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ngành KH&CN cả nước nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới liên quan đến hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. 

Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo của các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động KH&CN tại vùng Bắc Trung Bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong các kết quả đó có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Sở KH&CN các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Các địa phương đã cụ thể hóa các cơ chế, chính sách và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển các sản phẩm chủ lực, khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và những đặc trưng nổi trội của địa phương, của vùng Bắc Trung Bộ.

Điểm nổi bật về các hoạt động KHCN trong giai đoạn 2018-2022

Theo báo cáo tổng hợp từ năm 2018 đến nay, các tỉnh trong vùng đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, tìm kiếm, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thành lập doanh nghiệp KHCN bằng nhiều hình thức khác nhau. Hiện toàn vùng đã có 132 tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Nhiều địa phương đã cân đối và bố trí nguồn kinh phí bằng hoặc cao hơn so với kinh phí Trung ương cân đối hàng năm. Điều này cho thấy, các địa phương dành sự quan tâm lớn cho các hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn này, các địa phương trong vùng triển khai 95 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, 663 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển và nâng cao giá trị, nâng cao sức mạnh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Các nhiệm vụ sau khi kết thúc đều tạo ra được các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, đáp ứng được các mục tiêu đề ra, kết quả, sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, mang lại ý nghĩa thiết thực, phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hoạt động đổi mới công nghệ, sáng tạo tiếp tục được mở rộng triển khai. Các địa phương ban hành 15 văn bản về cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và 03 chính sách liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động hiệu quả.

Trong giai đoạn 2018-2022, các sở KH&CN đã đào tạo 80 đợt về sở hữu trí tuệ cho hơn 10 nghìn người; xác lập quyền sở hữu công nghiệp hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp 3.677 lượt.  Bên cạnh đó, các sở KH&CN trong vùng cũng đã tiếp nhận công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy 940 tổ chức, cá nhân được công bố.

Ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động KHCN& đổi mới sáng tạo của vùng và từng địa phương trong vùng giai đoạn 2018-2022, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai tại địa phương liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách chi cho đầu tư phát triển KHCN& đổi mới sáng tạo, cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, phát triển thị trường KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,… Đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ KH&CN cũng đã có những giải đáp ý kiến của các Sở KH&CN về các vấn đề có liên quan.

Phương hướng, nhiệm vụ hoạt động KH&CN trong thời gian tới

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN& đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững cho vùng Bắc Trung Bộ. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, huy động mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển KHCN& đổi mới sáng tạo phục vụ thiết thực, hiệu quả nhất các mục tiêu phát triển của từng địa phương và cả vùng.

Tăng cường hợp tác với các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu để đẩy mạnh hợp tác chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm chủ lực. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ môi trường để phát triển các sản phẩm quốc gia, các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển.

Triển khai, thực hiện chương trình KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai để phát triển bền vững. Đẩy mạnh Chương trình chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hoà, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KHCN như: hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ; Sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; an toàn bức xạ và hạt nhân; đầu tư nâng cao tiềm lực; thanh tra, thống kê cơ sở dữ liệu KH&CN; đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, hoạt động KH&CN cấp huyện...

Tập trung nguồn lực đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn trực tiếp với các nội dung phục vụ định hướng phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư tiềm lực cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực cho các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để KH&CN thực sự trở thành động lực, nền tảng, quốc sách hàng đầu cho sự phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn để đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư tăng cường tiềm lực về nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, thông tin KH&CN. Theo đó, cần có nhiều hơn doanh nghiệp ứng dụng KH&CN, nhiều hơn doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện của một doanh nghiệp KH&CN để góp phần đưa nhanh nhất KH&CN vào cuộc sống. Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng tiếp tục nhận được sự quan tâm phối hợp chỉ đạo của các Sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn vùng nói riêng và ngành KH&CN nước nhà nói chung. Đối với những đề xuất của các Sở KH&CN, Thứ trưởng khẳng định các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, với tinh thần chung của toàn ngành sẽ tìm cách tháo gỡ để kịp thời điều chỉnh góp phần đưa các chính sách KH&CN thực sự đi vào cuộc sống.

Tại Hội nghị, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao đơn vị đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN vùng Bắc Trung Bộ lần thứ XV cho Sở KH&CN tỉnh Quảng Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem