Hội nghị khoa học quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học: Sinh học có vị trí đặc biệt trong cuộc sống
Hội nghị khoa học quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học: Sinh học có vị trí đặc biệt trong cuộc sống
Lê Nguyễn
Chủ nhật, ngày 05/07/2020 08:01 AM (GMT+7)
Ngày 4/7, Hội nghị khoa học quốc gia "Nghiên cứu và giảng dạy sinh học ở Việt Nam lần thứ IV" đã diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Hội nghị này là sáng kiến của Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và được tổ chức 2 năm mỗi lần.
Tham dự hội nghị có gần 600 đại biểu, trong đó, có trên 300 nhà khoa học, nhà giáo đến từ 26 trường đại học; 11 Viện/Học viên và 7 trường cao đẳng trên toàn quốc.
Hội nghị được tổ chức lần này nhằm đáp ứng nhu cầu công bố, trao đổi và phổ biến những thành quả nghiên cứu và sáng tạo cá nhân của các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên toàn quốc về các lĩnh vực: Sinh học cơ bản, sinh học ứng dụng và khoa học giáo dục và giảng dạy sinh học.
Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Bùi Kiên Cường- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho biết, hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy Sinh học đang đứng trước những thách thức, đòi hỏi các nhà khoa học phải đổi mới và kết nối để đưa những hướng nghiên cứu thiết thực, gắn kết các nghiên cứu khoa học cơ bản với các bài toán thực tiễn đang đặt ra trong sinh học ứng dụng, giảng dạy Sinh học, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm trên toàn quốc.
Theo TS. Cường, hội nghị Khoa học quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy sinh học ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn khoa học có uy tín, chất lượng để các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà quản lý trong lĩnh vực Sinh học trao đổi, thảo luận, xây dựng các hướng nghiên cứu và giảng dạy phù hợp với bối cảnh mới.
Hội nghị đã thu hút được 179 công trình khoa học, trong đó có 151 công trình có chất lượng được đăng trong kỉ yếu hội nghị. Theo đó, có 66 công trình khoa học thuộc nhóm “Nghiên cứu cơ bản trong Sinh học”; 48 công trình khoa học thuộc nhóm “Sinh học ứng dụng phục vụ đời sống và phát triển xã hội”; 37 công trình thuộc nhóm “Khoa học giáo dục và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam”.
Tại hội nghị, các nhà khoa học không chỉ trình bày các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên sâu của mình để tìm ra những hướng đi thích hợp trong nghiên cứu khoa học. Mà đây còn là môi trường học thuật để các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành, các chuyên gia, giảng viên ở các trường học trong toàn quốc trong lĩnh vực Sinh học cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thảo luận quan điểm về vấn đề nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế.
Theo TS Bùi Kiên Cường, Sinh học là môn khoa học về sự sống, là một nhánh của Khoa học tự nhiên, tập trung nghiên cứu các cá thể sống, mối quan hệ giữa chúng với nhau và với môi trường.
Các thành tựu về nghiên cứu khoa học sinh học hiện nay cho thấy, khoa học sự sống là một ngành có vị trí hàng đầu trong số các ngành khoa học nói chung và có ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
TS Bùi Kiên Cường cho hay, yêu cầu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ dạy học, đánh giá học sinh theo tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực.
Yêu cầu này của chương trình môn Sinh học đặt ra cho các cơ sở GD-ĐT giáo viên những đòi hỏi mới, mà trọng tâm là bồi dưỡng, trang bị và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất và năng lực cho giảng viên, sinh viên sư phạm cả về khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và khoa học giáo dục.
"Đứng trước yêu cầu đó, việc tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc gia về nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ IV, chính là diễn đàn quan trọng và kịp thời để các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các nhà quản lý có thêm điều kiện trình bày, trao đổi và tham gia giải quyết các vấn đề mới của khoa học chuyên ngành và khoa học giáo dục trong lĩnh vực Sinh học" – TS Bùi Kiên Cường nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Văn Đính – Trưởng Khoa sinh Kỹ thuật Nông nghiệp (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) – cho biết: Hội nghị Khoa học Quốc gia về Nghiên cứu và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam lần thứ IV đã quy tụ trên 300 nhà khoa học, nhà giáo đến từ 26 trường Đại học; 11 Viện/Học viên và 7 trường Cao đẳng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng qui tụ được 179 công trình khoa học, sau khi phản biện có 151 công trình có chất lượng được đăng trong kỉ yếu với mã số ISSN: 978-604-9955-23-5 gồm: 66 công trình khoa học thuộc nhóm "Nghiên cứu cơ bản trong Sinh học"; 48 công trình khoa học thuộc nhóm "Sinh học ứng dụng phục vụ đời sống và phát triển xã hội"; 37 công trình thuộc nhóm "Khoa học giáo dục và giảng dạy Sinh học ở Việt Nam".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.