'Hội nghị thượng đỉnh hòa bình' về Ukraine: Tan biến hy vọng cô lập Nga

V.N tổng hợp Thứ bảy, ngày 15/06/2024 16:37 PM (GMT+7)
Ukraine mong muốn hội nghị này là cuộc tập hợp lực lượng ủng hộ họ và chống lại Nga, nhưng bài toán ngoại giao của họ chỉ đạt được phần nào. Không có Trung Quốc, hy vọng cô lập Nga đã tan biến, trong khi những diễn biến quân sự gần đây đã khiến Kiev rơi vào thế khó.
Bình luận 0
'Hội nghị thượng đỉnh hòa bình' về Ukraine: Tan biến hy vọng cô lập Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Zelensky tới Thụy Sỹ tham dự hội nghị hòa bình. Ảnh: Reuters.

Viola Amherd, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, sẽ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình Toàn cầu về Ukraine bắt đầu hôm nay thứ Bảy, ngày 15/6 và kéo dài 2 ngày. Theo chính phủ Thụy Sĩ, mục đích của hội nghị thượng đỉnh là "khởi động một tiến trình hòa bình, tạo dựng niềm tin và vạch ra những ý tưởng cho các bước tiếp theo hướng tới một tiến trình như vậy".

Hội nghị hòa bình sẽ có sự tham gia của 100 phái đoàn, trong đó có 57 nguyên thủ quốc gia và chính phủ từ khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ tham dự các phiên họp và thảo luận toàn thể về cái gọi là "công thức hòa bình Ukraine" với ba khía cạnh: An ninh hạt nhân, an ninh lương thực và khía cạnh nhân đạo. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden chọn không dự hội nghị và theo thông tin báo chí trước đó thì ông sẽ dự sự kiện gây quỹ tranh cử trong nước, Phó Tổng thống Kamala Harris tới Thụy Sỹ thay ông. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo của Đức, Ý, Anh, Canada và Nhật Bản nằm trong số những người dự kiến tham dự hội nghị

Ấn Độ, nước đã đẩy mạnh quan hệ kinh tế với Nga bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây, dự kiến sẽ cử một phái đoàn. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, những quốc gia duy trì mối quan hệ thân mật tương tự với Nga, sẽ có đại diện ngoại trưởng của họ.

Nhưng bất chấp nhiều tháng vận động hành lang căng thẳng của Ukraine và Thụy Sĩ, một số nước khác sẽ không có mặt ở đó, đáng chú ý nhất là Trung Quốc. 

Trung Quốc đã tuyên bố tránh xa hội nghị. Họ nói rằng xung đột chỉ có thể giải quyết với sự tham gia của tất cả các bên và tất cả các đề xuất hòa bình được thảo luận đầy đủ.

Ukraine mong muốn hội nghị này là cuộc tập hợp lực lượng ủng hộ họ và chống lại Nga, nhưng bài toán ngoại giao của họ chỉ đạt được một phần. Không có Trung Quốc, hy vọng cô lập Nga đã tan biến, trong khi những diễn biến quân sự gần đây đã khiến Kiev rơi vào thế khó. Cuộc chiến ở Gaza giữa Israel và Hamas cũng đã chuyển hướng sự chú ý khỏi Ukraine.

Tác động hạn chế

Ông Zelensky hôm 11/6 đã thừa nhận thách thức trong việc duy trì sự hỗ trợ quốc tế khi cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba. Không giấu nổi thất vọng trước sự xa lánh của Trung Quốc, ông thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh giúp Moscow phá hoại cuộc họp - một sự tức giận bất thường với cường quốc có ảnh hưởng lớn với Nga. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.

Reuters dẫn lời các quan chức châu Âu thừa nhận riêng rằng nếu không có sự hỗ trợ từ các đồng minh chính của Moscow, tác động của hội nghị thượng đỉnh sẽ bị hạn chế. 

Trung Quốc cùng với Brazil đang thúc đẩy một kế hoạch hòa bình riêng cho Ukraine, kêu gọi sự tham gia của cả hai bên tham chiến. Moscow đã lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của Bắc Kinh.

Trang Chanel News Asia dẫn lời Giáo sư Nghiên cứu Châu Á James Chin của Đại học Tasmania cho biết ông nghi ngờ liệu hội nghị thượng đỉnh có tác động gì hay không.

"Đây là một hoạt động truyền thông hơn bất cứ điều gì khác," ông nói. "Và nếu không có tất cả các cường quốc, không ai tin rằng bất kỳ quyết định nào được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu này sẽ đưa đến bất cứ điều gì".

Báo chí phương Tây dẫn các nguồn tin riêng cho biết, dự thảo cuối cùng của tuyên bố hội nghị thượng đỉnh đề cập đến "cuộc chiến" của Nga chống lại Ukraine, đồng thời nhấn mạnh cam kết tuân theo hiến chương Liên Hợp Quốc và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Nhưng dự thảo này không đề cập các vấn đề cốt lõi như ngừng bắn hoặc rút quân Nga khỏi Ukraine.

Có những nước tham gia hội nghị không đồng ý với dự thảo tuyên bố trên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu cho biết chiến tranh ở Ukraine sẽ chỉ chấm dứt nếu Kiev đồng ý từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và bàn giao toàn bộ 4 tỉnh mà Moscow tuyên bố chủ quyền - những yêu cầu mà Kiev nhanh chóng bác bỏ.

Hội nghị diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Ukraine trên chiến trường. Quân đội Nga, hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, đang tiến về phía đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem