Sáng 2/2 tại Bảo tàng Văn học, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ trao giải thường niên năm 2015 và Giải Tiểu thuyết lần thứ tư (2011 - 2015). Lãnh đạo Hội nhà văn, đông đảo hội viên, tác giả đều mừng một mùa giải đã tìm ra nhiều tác phẩm chất lượng, mới mẻ.
Ở Giải thưởng Văn học năm 2015, thay vì mỗi hạng mục có một tác phẩm đứng đầu, ba lĩnh vực văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình có tới hai tác phẩm xuất sắc. Cụ thể, tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc của Trần Thanh Cảnh và tiểu thuyết Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang đoạt giải lĩnh vực văn xuôi. Tập thơ Vườn khuya của Trần Hùng và trường ca Long mạch của Hoàng Trần Cương đoạt giải hạng mục thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh (thứ ba, trái) trao giải cho các tác giả của cuộc thi tiểu thuyết.
Lĩnh vực Lý luận - phê bình vinh danh hai công trình nghiên cứu Âm thanh của tưởng tượng (Lê Hồ Quang) và Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay (Nguyễn Văn Dân). Giải thưởng Tiểu thuyết tuy chưa tìm được tác phẩm đỉnh cao, song trao cho 12 tiểu thuyết. Trong đó có ba câu chuyện gây ấn tượng, gồm: Người thứ hai (Tô Hải Vân), Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ), Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyền).
Về chất lượng tác phẩm đoạt giải, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn - nhận xét: "Mỗi tác phẩm một thi pháp riêng, những vấn đề riêng của con người và xã hội. Điều đó làm nên sự phong phú của thể loại cũng như tính đa dạng của đề tài". Đi sâu vào từng tác phẩm, ông cho rằng Kỳ nhân làng Ngọc mang tới cái nhìn cận cảnh về số phận con người nhỏ bé nơi làng quê, từ đó dự báo sự đổi thay của nông thôn. Thông reo ngàn hống của Nguyễn Thế Quang dựng lại thời đại đã qua một cách sinh động. Tiểu thuyết có tư duy trầm tĩnh, đầy trách nhiệm về lịch sử, mang tới bài học cho thời đại hôm nay. Hai cuốn thơ được giải - một mang vẻ đẹp thuần khiết, tĩnh lặng (Vườn khuya), một vang lên nét khỏe khoắn của đời sống (trường ca Long mạch). Hai công trình nghiên cứu thể hiện sự công phu trong công tác khoa học, kết hợp với mỹ học, tạo nên sự mới mẻ cho phê bình lý luận.
Lễ trao giải là dịp để các tác giả gặp mặt, trò chuyện.
Các tác phẩm vào chung khảo giải Tiểu thuyết cũng có sự đa dạng so với kỳ trước. Ở đề tài chiến tranh, ba tác phẩm Miền hoang (Sương Nguyệt Minh), Mảnh vỡ của những mảnh vỡ (Vĩnh Quyền), Vùng sâu (Tô Nhuận Vỹ) đều lấy điểm nhìn của ngày hôm nay để soi rọi quá khứ. Do đó tác phẩm không chỉ nói về cuộc hành quân, súng đạn mà còn bàn về nhiều mặt của chiến tranh.
Đề tài lịch sử, truyền thuyết có hai cái tên vào chung khảo là Chim ưng và chàng đan sọt (Bùi Việt Sỹ) và Ngược mặt trời (Nguyễn Một). Các tác phẩm viết không nệ sử, kể câu chuyện đã qua nhưng gắn với vấn đề đương đại. Nhiều tác phẩm thuộc mảng đề tài xã hội ngày nay. Nhóm này tạo thành một dòng văn học chống cái ác, cái xấu, chống sự phi lý đang đầy lên trong xã hội.
Không chỉ thành công về chất lượng, hai giải thưởng năm nay mang yếu tố phát hiện.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: "Trong số các tác giả đoạt giải, có nhiều người chưa phải là hội viên Hội Nhà văn, nhiều người chưa từng tới trụ sở Hội và hôm nay lần đầu tôi được gặp mặt. Nhưng hội đồng xét giải đã đón nhận đứa con tinh thần của các tác giả mới và phát hiện nhiều tác phẩm tốt cho văn học nước nhà". Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng không chỉ có những người mới cầm bút mang tới giọng điệu lạ, giải thưởng năm nay cũng tôn vinh nhiều tác giả có kinh nghiệm biết làm mới mình.
Tác giả Trần Thanh Cảnh bày tỏ niềm hạnh phúc khi nhận giải cao nhất hạng mục văn xuôi. Ông là doanh nhân, cầm bút từ năm 2013 như một nhu cầu tự thân. Tập truyện ngắn đầu tiên mới ra mắt đã được trao giải thưởng cao quý. Trần Thanh Cảnh cho biết ông là người ngoại đạo văn chương nên giải thưởng không là áp lực, nhưng là động lực lớn cho ông tiếp tục hoàn thiện các tiểu thuyết dang dở.
Vui mừng với thành quả song lãnh đạo Hội Nhà văn cũng băn khoăn với khuyết thiếu của hai giải. Nhà văn Nguyễn Trí Huân cho rằng việc không tìm được tác phẩm trao giải nhất khiến giải thưởng Tiểu thuyết chỉ thành công ở diện rộng mà chưa thực sự thuyết phục ở bề sâu. Ông nói: "Một nền văn học không thể lớn nếu không có tác phẩm lớn". Nhà thơ Hữu Thỉnh trăn trở cách đưa tác phẩm đoạt giải đến với bạn đọc. Ông cho rằng chất lượng tác phẩm của giải thưởng đôi khi không đi đôi với thị trường. Để quảng bá rộng rãi những tác phẩm đoạt giải, Chủ tịch Hội Nhà văn chỉ đạo các tạp chí, cơ quan ngôn luận của Hội thực hiện nhiều tọa đàm, đăng tải các bài viết, phê bình.
Lam Thu (Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.