Hội Nông dân Đà Nẵng tập huấn mô hình “Đưa rác vào bờ, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển”
Hội Nông dân Đà Nẵng tập huấn mô hình “Đưa rác vào bờ, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển”
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ hai, ngày 16/12/2024 06:16 AM (GMT+7)
Ngày 15/12, Hội Nông dân TP.Đà Nẵng tổ chức tập huấn công tác bảo vệ môi trường biển và hỗ trợ dụng cụ thực hiện mô hình “Đưa rác vào bờ, giảm thiểu rác thải nhựa trên biển” với sự tham gia của hơn 100 ngư dân trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Ấn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết: "Ô nhiễm môi trường và rác thải đại dương đang trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống, sức khỏe của con người và các loài sinh vật. Chính vì thế, việc thu gom rác thải trên biển là một việc làm có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần làm giảm khối lượng rác thải nhựa xả ra môi trường nói chung và đổ ra biển nói riêng mỗi ngày.
Trên tinh thần đó, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng tổ chức tập huấn công tác bảo vệ môi trường biển nhằm tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo vệ môi trường biển; hướng dẫn phân loại rác thải rắn trên tàu thuyền; vai trò của ngư dân trong việc bảo vệ chủ quyền, tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Qua đó nâng cao hiểu biết của bà con ngư dân về rác thải nhựa đại dương, kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường biển, sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bằng các hành động thiết thực, mang rác thải trên biển vào bờ...".
Chia sẻ tác hại của rác thải nhựa đối với đại dương, TS.Kiều Thị Kính – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng nói: "Khi nhựa phân hủy, các chất phụ gia và hợp chất hóa học từ chúng có thể được giải phóng, gây ô nhiễm cho nước biển và đáy biển. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của các sinh vật biển, làm suy yếu hệ sinh thái biển và ảnh hưởng đến đời sống con người.
Rất nhiều sinh vật biển bị mắc kẹt trong rác thải nhựa như rùa, cá, chim biển và các loài hải sản quan trọng khác. Chúng có thể nuốt phải các mảnh nhựa hoặc bị vướng vào những vật liệu nhựa, nhẹ thì bị thương, nặng thì gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và thậm chí là bị chết...".
Từ đó, bà Kính đề ra các giải pháp khuyến cáo nông dân, ngư dân chung tay thực hiện để làm giảm và xử lý rác thải nhựa trên biển như: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế túi ni lông; hạn chế sử dụng đồ dùng một lần làm từ nhựa như ly, chén, đĩa... và chuyển sang sử dụng vật liệu thay thế như giấy, thủy tinh, tre, nứa, vật liệu tự hủy sinh học....
Tại buổi tập huấn, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 113 hộ ngư dân (phường Thanh Khê Tây, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Thuận Phước) bộ dụng cụ sử dụng cho việc thu gom rác thải nhựa trên biển khi tham gia đánh bắt thủy sản. Mỗi chủ hộ ngư dân được hỗ trợ 2 túi lưới và 1 vợt rác có cán cầm tay.
Phấn khởi nhận bộ dụng cụ, nông dân Trần Văn Minh chia sẻ: "Trong quá trình đánh bắt trên biển, ngư dân chúng tôi nhận thấy rác thải nhựa trên biển ngày càng nhiều, khi kéo lưới lên toàn là rác. Điều này làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi, phát triển của tôm cá, nguồn thuỷ hải sản cũng cạn kiệt dần khiến ngư dân gặp khó khăn. Vì vậy, tôi và nhiều ngư dân địa phương đang tích cực chung tay gìn giữ môi trường biển, thu gom rác thải nhựa từ hoạt động đánh bắt để đem vào bờ xử lý đúng quy định...".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.