Dự án thu gom vỏ hộp sữa tại TH true mart là mô hình thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác giữa nhà sản xuất, nhãn hàng, người tiêu dùng và đơn vị thu gom
Truyền cảm hứng sống xanh đến những mầm non của đất nước
Đầu tháng 9/2023, chị Nguyễn Diệu Hằng - Hoàng Mai, Hà Nội biết đến chương trình "Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh 2023". Từ ngày ấy, mọi vỏ hộp sữa sau khi sử dụng đều được gia đình chị vệ sinh sạch sẽ để cuối tuần mang đến cửa hàng TH true mart thu gom. Chị Hằng chia sẻ: "Điều khiến tôi vui mừng nhất là chứng kiến con mình có ý thức và hành động bảo vệ môi trường cụ thể".
Chị kể, con gái dù mới 5 tuổi - đang học mẫu giáo lớn nhưng mỗi khi uống xong sữa đã chủ động giữ vỏ hộp lại nhờ mẹ cắt mép hộp, rửa sạch và phơi khô. Nhiều hôm cháu còn nhặt hoặc xin vỏ hộp sữa của các bạn ở lớp mang về làm sạch.
Chị Diệu Hằng tranh thủ giờ nghỉ trưa để đến TH true mart gửi 20 vỏ hộp sữa là thành quả con gái chị thu gom trong 7 ngày qua
"Sau mấy lần thấy con nhặt vỏ sữa cho vào balo, cô giáo có hỏi mẹ tại sao bé mang vỏ hộp về mà không vứt vào thùng rác như các bạn? Mẹ mới chia sẻ, vì con muốn thu gom tham gia chương trình sống xanh của TH" - chị Diệu Hằng cho biết.
Hành động này của con gái chị Hằng đã thực sự truyền cảm hứng sống xanh đến cô giáo và các bạn cùng lớp. Đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh trường mầm non VLB Minh Khai nơi cháu học giờ đây đã không vứt bỏ vỏ hộp sữa mà thu gom lại, chủ động tham gia chương trình "Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh 2023".
Vật liệu tái chế từ vỏ hộp sữa - an toàn với môi trường và sức khỏe con người
Chỉ sau 4 tháng, chương trình "Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh 2023" do Tập đoàn TH phối hợp với các đối tác triển khai đã thu gom được hơn 1,5 tấn vỏ hộp sữa. Những chiếc vỏ hộp này tiếp tục có "hành trình mới" đến đơn vị xử lý. Tại đây, chúng tôi được nghe chia sẻ từ anh Nguyễn Văn Khiên, phụ trách kỹ thuật của Lagom (đơn vị đồng hành cùng tập đoàn TH trong chương trình).
Theo anh Khiên, thành phần cấu tạo của vỏ hộp sữa giấy bao gồm 75% giấy, 4% nhôm và 21% polymer. Nguy hiểm nhất là màng polymer với nguy cơ trở thành những mảnh nhỏ phát tán vào môi trường đất, nước và điểm cuối cùng là cơ thể con người, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường cho sức khỏe.
Vật liệu tái chế từ vỏ hộp sữa có độ bền tốt hơn gỗ tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, và an toàn với môi trường
"Để tái chế được vỏ hộp sữa, cần có quy trình công nghệ cao kết hợp với hệ thống máy móc hiện đại nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Trải qua nhiều giai đoạn được kiểm soát nghiêm ngặt, chúng tôi sẽ tách riêng giấy, nhựa, nhôm và các hợp chất khác từ vỏ hộp sữa. Bột giấy sẽ được tái chế thành các vật dụng như móc treo quần áo, khung tranh ảnh… Còn các hợp chất khác sẽ được ép thành những tấm vật liệu có kích thước khác nhau, dùng để sản xuất thùng rác, bàn ghế, đồ nội ngoại thất… có độ bền tốt hơn gỗ tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, và an toàn với môi trường.
Chúng tôi đã thử nghiệm ngâm nước trong 6 tháng mà vật liệu tái chế từ vỏ hộp sữa không bị hư hỏng. Một cái mắc áo làm từ vỏ sữa có thể treo trọng lượng 7 - 8 kg không gãy. Nếu dùng làm bàn ghế, thùng rác hay đồ vật ngoài trời đều có thể chống chịu tốt với môi trường nắng mưa khắc nghiệt", anh Khiên chia sẻ.
Những sản phẩm như khung ảnh, bàn, thùng đựng rác, chậu nhựa, móc treo quần áo sinh học… được làm từ vỏ hộp sữa tái chế
Trong suốt hành trình gần 15 năm phát triển, Tập đoàn TH luôn coi trọng phát triển bền vững. Ngoài việc chăm chút cho các sản phẩm "hoàn toàn từ thiên nhiên" và "vì sức khỏe cộng đồng", TH còn bền bỉ triển khai nhiều hoạt động và giải pháp bảo vệ môi trường. Theo đó, bên cạnh giảm phát thải, sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên, sản xuất năng lượng tái tạo… tập đoàn TH đồng thời cũng thúc đẩy sử dụng nguyên liệu tái chế.
Gần đây nhất, tập đoàn TH và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp cùng công ty Nhựa Tương lai xanh hoàn thiện điểm trường khu Lang thuộc trường mầm non Trung Hạ, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa với tổng kinh phí hơn 1,94 tỷ đồng.
Điểm đặc biệt của công trình là 50% nguyên vật liệu xây dựng (gạch và ngói) được sử dụng từ vật liệu nhựa tái chế, với tổng khối lượng nhựa tái chế lên đến gần 44,87 tấn. Trước khi dùng làm vật liệu xây dựng, loại nhựa tái chế này đã được xử lý bằng công nghệ biến tính, kiểm định an toàn, không gây hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đây là nỗ lực của các bên nhằm thúc đẩy tái chế, khai thác nguồn tài nguyên từ rác thải nhựa mà Việt Nam đang lãng phí từ 2,2 - 2,9 tỷ đô la mỗi năm.
Điểm trường mầm non Khu Lang được xây dựng với 50% nguyên vật liệu (gạch và ngói) từ vật liệu nhựa tái chế, tương đương gần 45 tấn nhựa
"Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh" là chương trình thường niên quen thuộc được tổ chức bởi tập đoàn TH kết hợp cùng các đối tác với mục đích khuyến khích khách hàng thực hiện các hành động tích cực, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa đã sử dụng, chung tay góp phần bảo vệ môi trường và lan tỏa lối sống xanh.
Năm 2022, hệ thống TH true mart đã thu gom được hơn 1,1 tấn vỏ hộp sữa, với sự nhiệt tình hưởng ứng của hơn 15.000 khách hàng mọi lứa tuổi. Những "cuộc đời khác" của hàng trăm nghìn vỏ hộp sữa từ đó đã được mở ra.
Năm 2023, chương trình "Thu Gom Vỏ Hộp, Lan Tỏa Sống Xanh 2023" kéo dài từ 8:00 - 17:00 tất cả các ngày trong tuần, suốt thời gian từ 15/08 - 31/12/2023, tại 20 cửa hàng TH true mart trên địa bàn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Thành quả tích cực từ sự hưởng ứng của hàng chục nghìn khách hàng, chương trình đã thu gom được hơn 1,5 tấn vỏ hộp, nhiều gấp 1,3 lần so với năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.