Hồi ức cuộc chiến của Charlie

Chủ nhật, ngày 28/04/2013 20:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Charlie Haughey nói với tôi rằng, những trải nghiệm thời chiến tranh ở Việt Nam đã cho ông nhiều hơn những gì ông mất trong cuộc đời. Dẫu quá khứ có ám ảnh đến mấy thì với ông, ký ức và những kinh nghiệm đã trải qua không thể mua bằng giá hàng triệu đô la.
Bình luận 0

Chàng lính trẻ năm xưa giờ đã thành một ông già với mái tóc gần như bạc trắng. Charlie nói, ông đã để ký ức ngủ vùi trong thời gian quá lâu và giờ ông không còn đơn độc, những người bạn tận tâm đang giúp ông dựng lại quá khứ về một thời trai trẻ, về một cuộc chiến từng ám ảnh tâm trí của cả một thế hệ người Mỹ.

img
Binh lính Mỹ đào hầm công sự tại một đơn vị đóng quân ở Biên Hòa - Đồng Nai.

“Tôi đã bước vào đời lính như thế đấy”

Charlie Haughey nhớ mãi thời điểm tháng 10.1967, lúc đó ông chỉ mới 24 tuổi, đang theo học một trường nghệ thuật ở Michigan. Để trang trải cuộc sống, Charlie Haughey phải làm thêm tại một nhà máy sản xuất kim loại. Đó cũng là thời điểm ông nhận được giấy báo nhập ngũ.

“Tôi đã sợ hãi. Ý tôi là, lúc đó tôi rất tức giận, tôi không muốn đi lính, không muốn tham gia vào cuộc chiến này. Nhưng tôi đã không có sự lựa chọn khác” - Charlie Haughey kể. Sau nhiều tháng huấn luyện tại trại Fort Knox, Charlie đã được gửi đến San Francisco để triển khai quân đến Việt Nam.

Trên chuyến bay suốt 14 giờ đến Việt Nam, Charlie chỉ trò chuyện ngắn gọn với vài ba người cùng cảnh ngộ. Họ được phát một phong bì, bên trong chứa các giấy tờ đầy đủ thông tin cá nhân. Charlie Haughey liếc qua tập hồ sơ cá nhân của mình, thấy ghi những thông tin như khám sức khỏe, trải qua các khóa học và các kinh nghiệm đã có như từng làm việc trong một cửa hàng nội thất và một nhà máy sản xuất kim loại.

Tuy nhiên khi còn trong trường đại học, Charlie Haughey đã từng được học qua một khóa học chụp ảnh. Trong đầu ông lúc đó nảy ra ý tưởng, biết đâu tài lẻ này của mình sẽ giúp ông không phải trực tiếp cầm súng ở tuyến đầu.

Charlie Haughey giật vội chiếc bút trên tay người bạn đồng hành, và ghi thêm dòng chữ vào hồ sơ cá nhân: “ Từng là nhiếp ảnh gia”. Với hành động đơn giản này, Charlie đã thay đổi số phận của mình trong cuộc đời làm lính, và thay đổi mọi hoạt động của ông trong thời gian ở Việt Nam.

“Chiến tranh không phải trò đùa”

Bước xuống máy bay, Charlie gặp phải cái nắng như thiêu đốt của thời tiết Biên Hòa. Ông được điều về đóng quân ở Sư đoàn bộ binh 25 với nhiệm vụ đi tuần tra chiến đấu.

Nơi Charlie đóng quân là một doanh trại hỏa lực, hàng ngày, ông cùng đồng đội phải đi tuần tra vào trong những khu rừng sâu ở Củ Chi, luôn nơm nớp nỗi lo sợ sẽ sập bẫy của du kích Việt Cộng. Và rồi, nghiệp ảnh bám theo ông từ đó khi một nhiếp ảnh gia chiến trường của đơn vị ông tử trận, người chỉ huy đơn vị đã xem qua các hồ sơ và biết rằng Charlie từng có kinh nghiệm chụp ảnh.

Charlie Haughey được đại tá thuê chụp ảnh các trận đánh cho tiểu đoàn của ông và cho báo chí dân sự. Ông đại tá nói: “Anh không phải là nhiếp ảnh gia chiến tranh nhưng đây là một công việc mang tính đạo đức. Nếu tôi thấy hình quân lính của mình được đăng trên mặt báo, đang làm nhiệm vụ đầy niềm tự hào, thì sau đó anh muốn làm gì ở Việt Nam cũng được”.

img
Charlie Haughey.

Cứ như vậy, theo đơn đặt hàng, Charlie lăn lộn cùng những người lính Mỹ để có được những bức ảnh vừa ý ngài đại tá. Ban đầu ông chỉ chụp những hình ảnh tích cực của binh lính như sự phấn chấn trên khuôn mặt của một số người trước trận đánh, những sinh hoạt rộn rã của họ, những hình ảnh tươi vui và sự phô trương sức mạnh quân sự…

Trong số những bức ảnh này, có ảnh một liên lạc viên đang hướng dẫn chiếc Chinook thả vật liệu và hàng tiếp tế ở Căn cứ tiếp tế hỏa lực Pershing đóng gần Dầu Tiếng, rồi cảnh mấy người lính đang nạp đầu đạn 60mm vào súng cối M2. Đây là vũ khí do Mỹ sản xuất thời Thế chiến II và thời Chiến tranh Triều Tiên.

Nhóm này lấy được khẩu súng cối từ tay Việt Cộng trong chuyến đi tuần trên ruộng và cả những giây phút nghỉ ngơi của người lính phụ trách súng máy M60, trên cổ vẫn đang đeo băng đạn. Mỗi người trong đơn vị đều phải mang vác hoặc đạn dược hoặc đồ tiếp tế, chẳng hạn như ổ gài đạn. Một bức khác là hình ảnh chiếc Chinook đang giải cứu trực thăng Huey bị bắn hạ ở một cánh đồng gần Trảng Bàng vào thời điểm tháng 1.1969.

Một bức ảnh ám ảnh khác là trung sĩ Edgar D Bledsoe, quê từ Olive Branch, Illinois, ôm em bé Việt Nam bị thương nặng. Em bé sau được đưa vào căn cứ dã chiến của Mỹ để cấp cứu… Cũng có cảnh một người lính cúi đầu cầu nguyện.

Nói về bức ảnh lính Mỹ cầu nguyện, Charlie Haughley cho rằng: "Rất hiếm khi thấy được khoảnh khắc một ai đó đang cúi đầu cầu nguyện, và thường xảy ra khi chúng tôi bắt đầu rời trại hơn là sau khi trở về. Điều thú vị là anh ta đang mặc áo giáp, và canh gác cẩn thận ở cả hai bên hàng rào. Nhưng khi trải nghiệm cuộc chiến được nhiều hơn, Charlie đã bắt đầu đi “chệch quỹ đạo”.

Ký ức ám ảnh

Và trong suốt thời gian 2 năm trên các chiến trường ở Việt Nam, Charlie Haughey đã chụp ảnh với niềm say mê thực sự. Ông cũng chộp được những khoảnh khắc bình yên của lính Mỹ và cả những hình ảnh phía sau trận đánh. Charlie Haughey đã ghi lại nhiều khoảnh khắc đau lòng của cuộc chiến, trong đó có những giây phút bi thương, thất vọng và đau khổ của lính Mỹ, cũng như những khoảnh khắc số phận của người dân Việt Nam trong cuộc chiến. Nỗi ám ảnh xuyên thấu

“Tôi nhận ra rằng chiến tranh đã trôi qua rất lâu, và ký ức giờ đây không chỉ là nỗi ám ảnh, hay sự thù hận, ký ức giúp cho chúng ta nhìn thấy tương lai, tránh được tương lai không tốt đẹp”.

Những thời gian rảnh rỗi, Charlie Haughey đi sâu vào những ngôi làng, nơi đó những phận người trong chiến tranh càng làm ông nhức nhối. Charlie Haughey rất thích chụp trẻ em Việt Nam, và thời điểm đó, cũng chỉ có trẻ em là những đối tượng mà lính Mỹ dễ tiếp cận hơn cả.

Những em bé của chiến tranh vô tư thích thú với chiếc máy ảnh mà ông luôn đeo trước ngực. Những cặp mắt trong veo chưa hề biết đến thù hận, chưa cảm thấu được nỗi đau tột cùng của chiến tranh, đã ám ảnh Charlie Haughey. Sau mỗi ngày đi chụp ảnh, đêm đến Charlie Haughey lại lụi cụi trong căn phòng rửa ảnh được dựng lên đúng chất của thời chiến. Những bức ảnh đặt hàng được rửa ra và gửi về nước Mỹ, còn những bức ảnh còn lại, Charlie Haughey cũng cẩn thận rửa ra và lặng lẽ cất giấu trong hành trang đời lính của mình.

Sau 2 năm, Charlie Haughey hết nghĩa vụ quân sự, ông được trở về Mỹ trong khi cuộc chiến vẫn còn tiếp tục với những thất bại nặng nề mà phía Mỹ liên tiếp hứng chịu. Trong hành trang trở về hôm đó, Charlie Haughey đã mang theo cả tập ảnh tư liệu mà ông đã chụp, ước chừng vài ngàn cái.

Khi về Mỹ, Charlie Haughey đã cất kỹ những bức hình trong một chiếc hộp. Rồi cuộc chiến cũng kết thúc và Charlie Haughey hầu như không còn muốn nghĩ về những ngày tháng kinh hoàng ở Việt Nam nữa. Ông không muốn gợi lại quá khứ, dù chỉ một lần.

Và cứ như thế suốt hơn 40 năm qua, Charlie Haughey không đủ dũng cảm để đối mặt với ký ức, cho đến mùa thu năm 2012, một lần tình cờ gặp lại những người bạn cũ, đều là cựu chiến binh. Tất cả họ nay đã già và đang hồi tưởng về quá khứ. Lúc đó, Charlie Haughey mới lần giở lại những bức hình của 40 năm trước.

Ông kể, sau khi xem lại những bức ảnh, ông đã bị ám ảnh và suốt 3 ngày liền không hề chợp mắt. Nhưng cuối cùng, Charlie Haughey chiến thắng nỗi sợ hãi. Charlie Haughey quyết định công bố những bức ảnh này. Tự tay ông đã làm lại và đóng khung cho 28 bức ảnh để đem triển lãm.

Những tấm hình còn lại, ông nhắn nhủ với bạn bè ghé thăm facebook của mình và nhiều người đã rất xúc động khi nhìn thấy quá khứ thời trai trẻ qua những bức hình của Charlie Haughey. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem