Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quỹ của chi hội mình, ông Ba cho biết: “Được chi bộ và chính quyền ấp ủng hộ, năm 2008, chúng tôi chọn 2 trong số 6 tổ hội xây dựng Quỹ Tương trợ. Ban đầu mỗi tổ chỉ non một nửa hội viên góp quỹ, nay thì 100% hội viên tham gia”.
|
Vườn sanh kiểng của anh Nguyễn Văn Thúy. |
Góp vốn xây Quỹ Tương trợ
Theo ông Ba, khi quỹ mới ra đời chỉ vận động góp 10.000 đồng/người/tháng. Số tiền ít ỏi này khó giúp hội viên giải quyết khó khăn về vốn. Hội viên 2 tổ đồng thuận nâng lên 50.000 đồng/người/tháng. Đến nay, tổng vốn quỹ của 2 tổ là 220 triệu đồng, cao nhất tỉnh Tây Ninh vào thời điểm giữa năm 2012.
Chị Nguyễn Thị Ngân - Tổ trưởng Tổ hội 39 thông tin: Vốn quỹ không chỉ hỗ trợ hội viên đầu tư sản xuất, mà còn giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Như gia đình anh Nguyễn Văn Điển đang ở nhà tạm, anh lại bị bệnh, được quỹ tương trợ 5 triệu đồng, lãi suất bằng lãi suất vay ngân hàng, từ năm thứ 2, anh mới phải trả mỗi năm 1 triệu đồng cho tới khi hết nợ.
Ở tổ 38, quỹ cho tổ viên có nhu cầu vốn vay phát triển sản xuất, sửa chữa nhà cửa, mua sắm đồ dùng sinh hoạt. “Do vốn quỹ tương đối khá, hội viên sử dụng đúng mục đích, giữ được chữ tín nên mỗi năm chúng tôi hỗ trợ 50-60 lượt hộ hội viên ”- chị Hoàng Thị Tân - Tổ trưởng cho biết. Như chồng của hội viên Nguyễn Thị Thu bị tai biến, trong lúc ruộng mì (sắn) của gia đình chị chưa có tiền mua giống, Ban quản lý Quỹ tổ hội 38 kịp thời hỗ trợ. Nhờ đó, chị Thu không chỉ mua được thuốc chữa bệnh cho chồng mà còn xuống giống mì kịp thời vụ.
Nói về tác dụng của Quỹ Tương trợ, ông Ba cho biết: “Quỹ kích thích số ND tự nguyện xin vào hội. Tính đến tháng 6.2012, tổ 38 và 39 thu hút 100% hộ ND trên địa bàn tham gia sinh hoạt hội. Nhiều năm liền, 2 chi hội này đạt danh hiệu vững mạnh”.
Làm theo tấm gương Bác Hồ
Đến Chi hội ấp Tân Thanh, chúng tôi rất xúc động thấy nhiều cán bộ, hội viên ND thi đua làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Nhiều hội viên đề ra biện pháp học và làm theo Bác bằng việc làm cụ thể. Hội viên Nguyễn Trung Cấp là một điển hình. Anh là bộ đội xuất ngũ, gia đình nghèo nên mọi chi tiêu chủ yếu trông vào số tiền thương tật ít ỏi hàng tháng của anh. Nhưng giờ đây vợ chồng anh đang sở hữu 20ha đất sản xuất. Nhờ nhạy bén chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm vợ chồng anh thu 700-900 triệu đồng từ mía, mì, cao su.
Không chỉ phát động phong trào thi đua sản xuất giỏi, Chi hội Tân Thanh còn phát động hội viên ND thi đua không có con em vi phạm luật pháp, 100% hộ đạt danh hiệu Gia đình nông dân văn hóa.
Trở thành hộ sản xuất giỏi, vợ chồng anh Cấp không quên cảnh hàn vi cách đây mươi năm. “Hàng tháng, anh dành toàn bộ tiền trợ cấp thương tật của mình góp vào quỹ xây nhà “Tình nghĩa”, nhà “Đại đoàn kết”. Anh còn tổ chức các điểm vui chơi, văn nghệ, thể thao cho thanh-thiếu niên trong ấp; cho hàng trăm hộ vay vốn không lấy lãi để mua cây giống, phân bón...
Hay như anh Nguyễn Văn Thúy chuyển 2.500m2 đất trồng màu sang trồng sanh kiểng, năm 2011 thu 400 triệu đồng. Hiện trong vườn của anh có hàng trăm gốc sanh cổ và bonsai giá trị. Hiệu quả mô hình trồng kiểng của anh Thúy là cơ sở để chi hội thành lập CLB hoa-cây kiểng thu hút 30 hội viên tham gia.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.