Hôm nay, Quốc Hội lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt

Thứ hai, ngày 10/06/2013 06:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo kế hoạch, hôm nay (10.6), Quốc hội sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) với 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Bình luận 0

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào sáng mai (11.6). Xung quanh đợt LPTN này, phóng viên NTNN đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và nguyên ĐBQH.

ĐB Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Chưa nhận được thông tin vận động “chạy” phiếu

Hiện công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Việc LPTN sẽ thực hiện theo đúng quy định. Ban kiểm phiếu gồm ĐBQH các địa phương, các ngành, để việc LPTN được thực hiện một cách khách quan, dân chủ nhất. Chúng tôi đang cố gắng hoàn thành tốt nhất theo quy định, ví dụ thiết kế mẫu phiếu, chuẩn bị danh sách ban kiểm phiếu, các báo cáo.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành việc này, chắc chắn quá trình làm sẽ phải rút kinh nghiệm. Tôi tin càng về sau sẽ càng tốt hơn. Kết quả lấy phiếu sẽ được công bố ngay sau khâu kiểm phiếu. Đến thời điểm này, Quốc hội chưa nhận được thông tin nào liên quan tới việc vận động “chạy” phiếu. Thậm chí cũng chưa có ý kiến nào của cử tri phản ánh, kiến nghị về một vấn đề nào đối với những vị trong danh sách lấy phiếu.

Còn việc tại sao không để những phiên chất vấn thành viên Chính phủ diễn ra trước khi tiến hành LPTN là do việc này đã được QH bàn bạc kỹ và phân tích rằng: Nếu để các phiên chất vấn diễn ra trước khi LPTN thì với những người không phải trả lời chất vấn kỳ này, ĐB sẽ có sự so sánh như thế nào? Vì thế tốt nhất cứ công bằng, LPTN xong mới chất vấn.

ĐB Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu: Tín nhiệm thấp sẽ phải nỗ lực hết mình

Mọi công việc phục vụ cho việc LPTN, chúng tôi đã chuẩn bị xong xuôi với tinh thần chu đáo, kỹ lưỡng, trách nhiệm nhất có thể. Kết quả của việc LPTN sẽ được Ban Kiểm phiếu thông báo vào sáng 11.6, theo đó, các ĐBQH sẽ biết được cụ thể mỗi chức danh trong số 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn đạt được bao nhiêu phiếu "tín nhiệm cao", bao nhiêu phiếu "tín nhiệm" và bao nhiêu phiếu "tín nhiệm thấp".

Kết quả này có công khai rộng rãi cho cử tri biết hay chỉ cho các ĐBQH biết thì tôi cũng chưa rõ, nhưng chỉ biết rằng nếu ĐB nào có số phiếu “tín nhiệm thấp” trên 50% thì họ sẽ phải nỗ lực hết mình trong năm tới bởi nếu 2 năm liền cùng kết quả này thì cũng đồng nghĩa với việc Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với đồng chí đó. Tinh thần của các đoàn đại biểu đều đã rất sẵn sàng cho cuộc lấy phiếu quan trọng vào ngày mai.

ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng: Nhiều kênh để tìm hiểu thông tin

ĐBQH không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo mà có rất nhiều kênh để tìm hiểu những người mà mình bỏ phiếu. Cụ thể các kênh như cử tri nơi các vị ấy cư trú, công tác, dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng rồi những chuyên gia trong lĩnh vực đó họ đánh giá thế nào và hiệu quả công việc trong thời gian vừa qua cử tri đều biết hết và người ta cũng đánh giá khá khách quan đối với từng vị một, từng lĩnh vực, từng ngành.

Bởi việc LPTN lần này rất quan trọng đối với việc đánh giá con người đặc biệt là đối với những cán bộ cao cấp ở các lĩnh vực, các cương vị công tác trọng trách. Bên cạnh việc thận trọng nhưng bản thân người ĐBQH phải tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước lá phiếu của mình. LPTN chính là thước đo trách nhiệm cá nhân không chỉ đối với 47 vị được LPTN đợt này mà chính là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng vị ĐBQH trước cử tri, trước nhân dân.

ĐB Thạch Dư – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Không để chuyện cá nhân tác động

Trong việc LPTN không phải chúng ta theo suy nghĩ phiến diện hoặc để tình cảm cá nhân để tác động, ảnh hưởng tới việc này. Việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm có khi cũng hết sức nhạy cảm, đòi hỏi các ĐB phải thực hiện đúng theo quy định. Những người giữ trọng trách được Đảng và Nhà nước giao, chúng ta cũng không thể cầu toàn hết được.

Tất nhiên, chúng ta đánh giá một mặt nào đó thì bằng chủ quan của mình nhưng chúng ta có thể nghiên cứu thật kỹ và khách quan bằng nhiều góc nhìn khác. Bởi nhiều khi có người lấy kết quả từ thực tế điều hành nhưng thực tế điều hành đó cũng phải đánh giá trên tương quan chung và bối cảnh của nó, tình hình trong nước, thế giới… điều kiện khách quan hơn. Nếu tôi nằm trong trường hợp không được tín nhiệm cao thì sẽ phải xem xét lại bản thân.

Chắc chắn mình cũng có những hạn chế mặt nào đó. Cái này chúng ta cũng phải chấp nhận và phải phấn đấu hơn nữa hoặc yêu cầu Đảng và Nhà nước bố trí, sắp xếp lại cho phù hợp với công việc của mình.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Hễ là người tử tế sẽ không bao giờ bị chi phối

LPTN thực sự là việc khó khăn. Nhưng trong dân gian có câu, chính mình đôi khi cũng không hiểu hết mình thì làm sao hiểu hết người khác. Do vậy việc này cũng chỉ chính xác tương đối thôi, bởi không có gì là tuyệt đối cả. Trong LPTN, tôi cho rằng cần chống hai khuynh hướng: Một là cá nhân tranh thủ phiếu cho mình; hai là đi vận động phiếu cho nhau.

Cả 2 điều này đều không nên. Tôi tin rằng, hễ là một người tử tế thì không bao giờ bị chi phối bởi những chuyện này. Tôi cũng chưa thấy việc bộ, ngành nào mời cơm đại biểu để tranh thủ này nọ. Nhưng nếu có việc mời cơm thì chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên trong dịp lấy phiếu này và cũng là bình thường. Thực tế, các bộ cũng có quan hệ với địa phương này, ngành kia, rồi cá nhân đồng chí này đồng chí khác, nhưng khi đã vào cuộc là không có chuyện yêu ghét, tranh thủ này, tranh thủ nọ.

Còn ví dụ, trong dịp này nếu tôi được bộ, ngành đó mời cơm thân mật, tôi cũng sẽ sẵn sàng. Tôi nghĩ đây là điều bình thường và không có gì phải né tránh. Không nên coi chuyện bình thường thành phức tạp. Tình cảm là riêng còn khi thực hiện quyền đại biểu thì lại khác. Như tôi đã nói, nếu là người tử tế, có trách nhiệm thì sự trung thực không thể đánh đổi bằng vật chất, bằng một bữa cơm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên đại biểu Quốc hội: Không ai có thể qua mắt được nhân dân!

Theo tôi đây là một bước tiến lớn nếu đó là việc làm thực tâm của những người lãnh đạo. Năm 2003, Quốc hội khóa 11 đã nếu vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, 10 năm sau ta mới triển khai được. Như vậy là bị chậm mất 10 năm... Trong 10 năm trời, ta đã phí phạm bao trí tuệ của người dân. Tuy nhiên hôm nay làm được điều này là rất tốt. Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 có nếu vấn đề: Phẩm chất đạo đức là cốt lõi của lãnh đạo, vì vậy Quốc hội lần này lựa chọn lấy phiếu trên tinh thần kiểm tra phẩm chất đạo đức, không có phẩm chất đạo đức thì không thể phát huy năng lực lãnh đạo. Lấy tinh thần của Quốc hội năm 2003 và Nghị quyết T.Ư4 thực hiện là một bước tiến lớn trong việc thực thi dân chủ. Người dân sẽ được lợi nhiều nhất khi có bước tiến dân chủ này. Vấn đề quan trọng nhất là người dân kỳ vọng vào kết quả và chất lượng lấy phiếu của các ĐB. Làm được điều này Quốc hội của chúng ta thể hiện được: Ý thức dân chủ, trách nhiệm dân chủ, quyền làm chủ. Nếu làm tốt được điều này thì tất cả 47 chức danh thuộc diện được LPTN sẽ được chọn lọc kỹ bởi gần 500 đại biểu Quốc hội, đại diện cho hơn 87 triệu người dân. Không ai có thể qua mắt được nhân dân!

Theo kế hoạch, sáng nay (10.6), trước tiên Chủ tịch Quốc hội sẽ báo cáo một số vấn đề về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc LPTN, bỏ phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành LPTN, rồi thảo luận ở đoàn về vấn đề này. Chiều Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc LPTN và người được LPTN. Quốc hội sẽ bầu Ban kiểm phiếu với 21 người, sau đó tiến hành LPTN. Sáng thứ 3, Ban Kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả LPTN.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem