“Câu” kỹ sư phần mềm bằng mức lương hậu hĩnh
Các bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Việt Hùng, SN 1974; Lê Thanh Lâm, SN 1982; Nguyễn Văn Tuấn; SN 1988; Lê Sỹ Phán; SN 1988; Nguyễn Ngọc Kiều; SN 1986; Trần Minh Ngọc, SN 1990; Nguyễn Thị Nga, SN 1990, đều trú tại Hà Nội.
Theo tài liệu điều tra, ngày 13.5.2014, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hà Nội tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (trụ sở tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân). Quá trình làm việc, đoàn kiểm tra phát hiện công ty này đã viết, cung cấp, cài đặt và duy trì hoạt động phần mềm Ptracker có chức năng thu thập thông tin riêng của người sử dụng điện thoại di động, gồm âm thanh, hình ảnh, video, số liệu, định vị vị trí, số điện thoại đi, đến, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại…
Thông qua phần mềm này, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào điện thoại của nhiều người.
Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng xác định phần mềm nghe lén này được Công ty Việt Hồng triển khai từ tháng 6.2013 và trực tiếp phụ trách việc phát triển, cung cấp dịch vụ này là Phó Giám đốc Nguyễn Việt Hùng. Tháng 6.2013, Hùng đặt hàng Lê Thanh Lâm là kỹ sư lập trình để thuê viết phần mềm và thuê một số người làm nhân viên để phục vụ chương trình phát triển phần mềm.
Sau 3 tháng hoàn tất ý tưởng của Hùng, Lâm được Hùng trả công 8 triệu đồng cùng hứa hẹn sẽ thưởng thêm nếu làm tốt. Đồng thời, Hùng tuyển dụng Lâm vào làm việc tại Công ty Việt Hồng với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Bắt đầu từ đó, theo chỉ đạo của Hùng, Lâm tiếp tục phát triển các chức năng bí mật ghi âm cho phần mềm và được Hùng tăng lương lên 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Lâm và các nhân viên trong công ty còn được hưởng tiền thưởng từ doanh thu phần mềm Ptracker.
Thiệt hại khó đo đếm
Ngoài vai trò chủ đạo của Lâm, Hùng phân việc cụ thể cho số nhân viên - bị can còn lại. Trần Minh Ngọc có nhiệm vụ dựng video, viết hướng dẫn tải và cài đặt phần mềm cho khách hàng. Nguyễn Thị Nga chuyên tư vấn khách hàng; Lê Sỹ Phán thiết kế đồ họa; Nguyễn Ngọc Kiều và Nguyễn Văn Tuấn giúp việc cho Lâm.
Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, xác định máy chủ của Công ty Việt Hồng lưu 14.140 tài khoản, trong đó 7.447 tài khoản chưa bị xoá dữ liệu; 670 tài khoản còn đang trong thời gian giám sát. Ước tính, các đối tượng đã kiếm lời từ phần mềm này hơn 900 triệu đồng.
Xác minh đối tượng khách hàng sử dụng phần mềm, cơ quan chức năng đã làm rõ “cơ chế”: Sau 24 tiếng dùng thử, nếu người dùng ưng ý sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Nguyễn Việt Hùng. Khách hàng có thể lựa chọn các gói 400.000 đồng/tháng, 900.000 đồng/3 tháng, 1,2 triệu đồng/6 tháng hoặc 1,8 triệu đồng/năm. Khách hàng có nhu cầu sử dụng gói dịch vụ cài đặt phần mềm vĩnh viễn vào điện thoại thì chi phí là 5 triệu đồng, cộng phí nâng cao là 1,5 triệu đồng.
Phó Giám đốc Nguyễn Việt Hùng khai có hàng chục khách hàng đã sử dụng các dịch vụ nâng cao này và chủ yếu là các cặp vợ chồng(!).
Theo CQĐT, thiệt hại, ảnh hưởng của “trò” nghe lén này đối với xã hội rất khó đo đếm. Sau khi cài đặt phần mềm theo dõi, đối tượng không chỉ khai thác những thông tin đời tư cá nhân mà còn có thể biết rõ các số máy trong danh bạ, từ đó dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, những thông tin quan trọng như số tài khoản ngân hàng, mật khẩu cá nhân, hay thông tin bí mật về đời tư, công việc của người bị nghe lén cũng dễ bị lộ. Đối với các doanh nghiệp, việc bị nghe lén dễ dẫn tới bị đánh cắp những thông tin, dữ liệu bí mật và chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong kinh doanh.
Trước khi Công ty Việt Hồng bị xử lý, phần mềm Ptracker có thời gian khá dài được chào bán trên mạng Internet. Điều này cho thấy công tác kiểm soát những dịch vụ nguy hại như trên đòi hỏi sự chặt chẽ, thường xuyên và kịp thời ngăn chặn.
(Theo Hà Minh/ANTĐ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.