Hơn 100.000 nam giới bị tấn công tình dục trong quân đội Mỹ

Thứ năm, ngày 10/10/2019 20:33 PM (GMT+7)
Hơn 100.000 nam giới trong quân đội Mỹ đã bị tấn công tình dục trong vài chục năm qua và một số nạn nhân gần đây mới bắt đầu lên tiếng về vấn đề này.
Bình luận 0

Tấn công tình dục trong quân đội là vấn nạn được thừa nhận rộng rãi nhưng thiếu sự thấu hiểu tại Mỹ.

Các sĩ quan và giới lãnh đạo Lầu Năm Góc có xu hướng dành sự quan tâm cho hàng nghìn phụ nữ là nạn nhân khi phục vụ trong quân đội. Thế nhưng, nhiều năm qua, số lượng nạn nhân là nam binh sĩ thậm chí còn lớn hơn so với nạn nhân là nữ giới.

New York Times trích thống kê của Lầu Năm Góc, khoảng 10.000 nam giới bị tấn công tình dục trong quân đội Mỹ mỗi năm và trong thập kỷ qua con số này đã lên tới hơn 100.000.

Phần lớn nạn nhân là các nam binh sĩ trẻ và có cấp bậc thấp. Nhiều người rơi vào hoàn cảnh éo le sau khi bị tấn công, có thể bị thải hồi khỏi quân ngũ, và gặp nhiều trở ngại khi quay về cuộc sống dân sự.

img

Ông Jack Williams bị tấn công tình dục khi mới 18 tuổi. Ảnh: New York Times.

Trong hàng thập kỷ, phần lớn các vụ tấn công tình dục nam đều rơi vào im lặng. Sự im lặng này đến từ mặc cảm xấu hổ của các nạn nhân khi phải trình báo vụ việc, sự im lặng của những người có thẩm quyền nhưng thiếu hiểu biết được giao giải quyết, sự im lặng của những người chỉ huy tin rằng không có vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra.

Theo ông Nathan W. Galbreath, Phó giám đốc Văn phòng phản ứng và ngăn ngừa tấn công tình dục của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội mù mờ trước tình trạng tấn công tình dục với nam giới trong hàng thập kỷ. Mãi tới năm 2006, sau khi Văn phòng này điều tra ý kiến các quân nhân, quân đội Mỹ mới nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề, rằng các nam quân nhân cũng dễ bị tổn thương như các nữ binh sĩ.

"Đó là cú sốc lớn cho các lãnh đạo cấp cao. Mọi người cứ đinh ninh tấn công tình dục là vấn đề chỉ xảy ra với phụ nữ", ông Galbreath nói.

Một báo cáo công bố hồi tháng 5 cho thấy dù tỷ lệ nạn nhân nam báo cáo các vụ tấn công đang tăng lên, vẫn có khoảng 80% các nạn nhân giữ im lặng và để vụ việc chìm trong im lặng.

Không ai lắng nghe các nạn nhân

"Nếu báo cáo chuyện này, chẳng một ai sẽ tin cậu đâu", một trung sĩ Không quân nói với Williams.

Theo trí nhớ của người cựu binh, đó là thời điểm 2h sáng một ngày năm 1966. Tại văn phòng dành cho sĩ quan, viên trung sĩ liên tục đánh Williams cho tới khi thanh niên 18 tuổi ngất đi. Viên trung sĩ sau đó cưỡng hiếp Williams, trong khi hàng chục quân nhân khác ngủ ngay ở phòng kế bên.

Vào thập kỷ 1960 của thế kỷ 20, quân đội không có chương trình phòng ngừa như hiện nay, vì vậy, những binh sĩ báo cáo về tấn công tình dục hoàn toàn không được bảo vệ. Quan hệ đồng tính khi ấy không chỉ bị cấm trong quân đội, vấn đề này khi đó còn bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

"Nếu khai báo là bị cưỡng hiếp, người ta sẽ coi bạn như một kẻ quấy rối hay tấn công tình dục trẻ em, người khai báo sẽ bị đối xử như thể đó là lỗi của họ", ông Williams nói.

img

Jack Williams bị tấn công tình dục năm 1966. Ảnh: New York Times.

Sau khi vụ việc xảy ra, Williams đã làm những gì ông cho là tốt nhất có thể, đi tắm và trở lại giường ngủ. Viên trung sĩ sau đó cưỡng hiếp Williams thêm hai lần trong cả khóa huấn luyện. Nạn nhân khi đó quyết định giữ im lặng, cố gắng vượt qua kỳ huấn luyện một cách yên ổn nhất có thể.

Ngay sau khi tốt nghiệp, Williams báo cáo vụ việc tới nhà chức trách Không quân, mong chờ người ta sẽ tống giam kẻ biến thái và mở một cuộc điều tra. Thế nhưng, khi miêu tả lại phản ứng của Không quân, giọng nói của vị cựu quân nhân tràn ngập sự tức giận.

"Không một điều tra viên nào gọi tôi. Họ không bao giờ làm gì hết", Williams nói.

Thay vào đó, các sĩ quan chỉ huy bắt đầu khiển trách Williams về khả năng phục vụ của ông. Bởi các vụ cưỡng hiếp đã khiến Williams bị tổn thương thận và rách trực tràng, nạn nhân phải dành nhiều thời gian để điều trị, do đó bỏ lỡ nhiều buổi đào tạo.

Williams sau đó bị thải hồi khỏi không quân. Trong hồ sơ lý lịch của cựu binh này ghi lại, lý do ông bị sa thải là do không đáp ứng được tiêu chuẩn về y tế.

"Đáng ra tôi đã có một tương lai khác, tôi muốn phục vụ đất nước, tôi từng làm rất tốt những gì được giao. Người ta đã tước đi tất cả của tôi", Williams cay đắng nói.

img

Ethan Hanson bị tấn công tình dục khi đang tắm ở doanh trại của thủy quân lục chiến Mỹ năm 2014. Ảnh: New York Times.

Tương lai bị đánh cắp

Paul Lloyd được nuôi lớn tại nhà thờ Thiên Chúa giáo ở thành phố Salt Lake, bang Utah. Lloyd gia nhập Vệ binh quốc gia năm 17 tuổi. Thanh niên này bị cưỡng bức trong nhà tắm vào một đêm bởi chính đồng đội. Vụ tấn công khiến người thanh niên phải nhập viện ngay trong đêm, bị chảy máu trong và rách trực tràng.

"Tôi cảm thấy mình chẳng thể nói gì về chuyện đó, tôi giống như một kẻ thất bại hoàn toàn", Lloyd nói, cho biết đã giữ im lặng khi được bác sỹ hỏi nguyên nhân của những vết thương.

Theo hồ sơ của Vệ binh quốc gia, Lloyd đạt điểm cao nhất khóa đào tạo về thiện xạ và thể lực. Tham vọng của ông là phát triển sự nghiệp trong quân đội. Thế nhưng, sau khi vụ việc xảy ra, một cảm giác bị phản bội và kinh tởm về bản thân lớn dần trong người ông.

img

Cuộc đời của Paul Lloyd bị hủy hoại sau vụ tấn công tình dục năm 17 tuổi. Ảnh: New York Times.

Khi hết hạn nghỉ phép về thăm nhà thờ, Lloyd quyết định không trở lại đơn vị. Lloyd trốn tại nhà của chị gái trong một tháng trước khi Vệ binh quốc gia tìm thấy ông. Quân đội đưa Lloyd trở về doanh trại, và cuối cùng loại ngũ ông bởi vi phạm điều lệ.

Trong nhiều năm, Lloyd không bao giờ nói về vụ tấn công với bất cứ ai. Người đàn ông cũng dừng tới cầu nguyện ở nhà thờ, bắt đầu nghiện rượu và vất vả để kiếm một công việc tử tế. Từ chỗ là nạn nhân, Lloyd bắt đầu hoài nghi về giới tính của mình.

"Họ coi tôi là thứ bỏ đi trong một thời gian dài. Khi tôi tiết lộ chuyện bị cưỡng hiếp, họ nói 'Cuối cùng thì mọi chuyện cũng có cái lý của nó'".

Phục vụ đất nước bằng một cách khác

Heath Phillips bước lên trước đám đông hàng trăm binh sĩ tại Fort Hood, bang Texas. Hít một hơi sâu, Phillips chia sẻ bí mật đã ám ảnh ông trong suốt 25 năm cuộc đời. "Tên tôi là Heath Phillips, và tôi đã bị tấn công tình dục khi phục vụ trong Hải quân Mỹ".

Năm 1998, ở tuổi 17, khi lần đầu được điều động về phục vụ trên tàu chiến, Phillips được một nhóm thủy thủ đưa đi chơi đêm tại New York. Tại Manhattan, Phillips tỉnh dậy trong một khách sạn, trong cảnh bị đè xuống sàn, một thủy thủ đi cùng đang làm trò đồi bại trên mặt mình, trong khi những kẻ khác cố gắng lột quần của thanh niên này.

Khi trở lại tàu, Phillips báo cáo vụ việc với thuyền trưởng, nhưng được đáp lại bằng một thái độ ngờ vực. "Cậu đã uống rượu? Cậu có biết là bản thân sẽ gặp rắc rối vì uống rượu khi chưa đủ tuổi không?", Phillips nhắc lại lời của vị thuyền trưởng.

Phillips sau đó bị đưa trở lại khoang tàu của mình. Trong nhiều tháng, ông ngủ cách những kẻ tấn công mình chỉ vài mét. Những kẻ này liên tục đánh đập và  cưỡng hiếp người thanh niên.

img

Heath Phillips (trái) giữ kín câu chuyện bị tấn công tình dục trong 25 năm. Ảnh: New York Times.

Nạn nhân xấu số cho biết đã hết lần này tới lần khác trình báo các vụ tấn công tới thuyền trưởng, trong tình trạng bầm dập với những vết thương.

"Ông ta luôn buộc tội tôi nói dối. Ông ta nói tôi không có bằng chứng nào cả. Tôi nghĩ ông ta đơn giản là không dám đối mặt giải quyết vấn đề", Phillips nói.

Phillips nhiều lần tìm cách trốn khỏi tàu, nhưng sau đó đều bị bắt lại. Cuối cùng, Hải quân Mỹ loại ngũ Phillips với lý do người đàn ông đã tìm cách chạy trốn quá nhiều lần.

Trong hàng chục năm, câu chuyện được Phillips giấu kín. Đến năm 2009, người đàn ông được tư vấn bởi bệnh viện dành cho cựu chiến binh, và nhận ra rằng im lặng sẽ chỉ khiến tình trạng tấn công tình dục trong quân đội ngày càng nghiêm trọng và những kẻ thủ ác không bị trừng trị.

Phillips sau đó tham gia một nhóm vận động và gặp gỡ với các nhà lập pháp. Một cuộc điều tra được Quốc hội Mỹ tiến hành càng là động lực cho chiến dịch vận động của ông.

Từ đó tới nay, người từng là nạn nhân tại Hải quân đã đi khắp các căn cứ quân sự Mỹ, chia sẻ về câu chuyện của mình, như một cách để tự hồi phục từ quá khứ đau thương.

"Đời binh nghiệp của tôi đã bị cắt cụt, đó là điều sai trái. Nhưng tôi vẫn yêu quân đội, và bằng việc nói lên sự thật, tôi vẫn đang phục vụ đất nước, chỉ là theo một cách khác", Phillips nói.

Duy Anh (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem