Hơn 11 triệu USD từ USAID giúp TP.HCM chuyển đổi năng lượng sạch
Hơn 11 triệu USD từ USAID giúp TP.HCM chuyển đổi năng lượng sạch
Tường Thụy
Thứ sáu, ngày 17/05/2024 14:35 PM (GMT+7)
Sở Công Thương TP.HCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hôm nay 17/5 tổng kết kết quả về hợp tác thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sau 5 năm tại thành phố. Dự án đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Tại Lễ tổng kết Dự án Năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP.HCM do USAID tài trợ gần 11,2 triệu USD hôm nay, các kết quả cụ thể đã được trình bày để minh chứng cho hiệu quả hợp tác.
Phó Tổng Lãnh sự Mỹ Anne Benjaminson và Giám đốc USAID Việt Nam Aler Grubbs cùng lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM, đại diện các sở ban ngành của thành phố và khu vực tư nhân đã tổng kết những kết quả chính dự án đạt được từ khi bắt đầu thực hiện năm 2019.
Thông qua dự án, TP.HCM đã phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn để hướng tới mục tiêu trung hòa carbon trong nền kinh tế Việt Nam, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Thị Kim Ngọc phát biểu tại Lễ tổng kết dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng ngày 17/5.
Tại sự kiện, bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết: "Hợp tác của chúng tôi với thành phố trong khuôn khổ dự án này đã giúp thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang năng lượng sạch của thành phố".
Bà Grubbs chia sẻ: "Chúng tôi hoan nghênh TP.HCM có các kế hoạch về năng lượng sạch với tầm nhìn xa, là một hình mẫu cho các tỉnh và thành phố trên khắp cả nước có thể áp dụng để cải thiện an ninh năng lượng, tăng cường khả năng thích ứng với môi trường và thúc đẩy các mục tiêu phát thải ròng bằng 0".
Qua 5 năm đồng hành trong dự án, USAID và Sở Công Thương TP.HCM đã hợp tác đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như phát triển và triển khai các nguồn năng lượng tái tạo mới.
Theo thông tin từ lễ tổng kết, dự án đã giúp xây dựng chiến lược phát thải ròng bằng 0 của thành phố cùng lộ trình thực hiện và xây dựng đề xuất chiến lược mở rộng các nguồn năng lượng sạch và mới. Những chiến lược này đóng vai trò nòng cốt trong việc định hướng các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của thành phố trong những năm tới.
Kết quả nổi bật thứ hai là lần đầu tiên tổ chức Giải thưởng Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả tại TP.HCM để ghi nhận thành tích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.
Ngoài ra, dự án giúp huy động 4,2 triệu USD vốn đầu tư cho các công ty phát triển năng lượng sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực năng lượng như dự án hydro xanh, hệ thống pin lưu trữ năng lượng, xe máy điện và hệ sinh thái giao thông điện.
Theo USAID, dự án đã đào tạo hơn 500 nhân viên của các tổ chức tài chính chủ chốt về các công cụ tài chính tiên tiến như trái phiếu xanh và năng lượng sạch nhằm thúc đẩy đầu tư và cấp khoản vay cho các dự án về năng lượng sạch; đào tạo gần 200 cán bộ, các nhà quản lý năng lượng, các nhà quản lý kỹ thuật để đẩy mạnh việc triển khai các chính sách và biện pháp về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Một kết quả khác là đã thành lập Chương trình Quỹ Thách thức Đổi mới Sáng tạo, qua đó tài trợ cho 7 giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề về năng lượng và môi trường đô thị ở TP.HCM, giúp các đơn vị đổi mới sáng tạo đưa ý tưởng vào ứng dụng thực tế.
Các giải pháp này bao gồm hệ thống điều khiển máy nén khí thông minh; hệ thống pin lưu trữ năng lượng; ứng dụng điện thoại thông minh giúp tiết kiệm điện; giải pháp dịch vụ sạc xe máy điện; quạt trần hiệu suất cao; giải pháp thu hồi nước ngưng áp suất cao cho nồi hơi và giải pháp sử dụng nước thông minh cho lĩnh vực công nghiệp.
Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã nêu kỳ vọng sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua việc xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.