Hơn 2 thập kỷ quan hệ, doanh nghiệp Mỹ đổ bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

O.L Thứ bảy, ngày 09/09/2023 10:42 AM (GMT+7)
Sau hơn 2 thập kỷ thiết lập quan hệ thương mại thông qua Hiệp định thương mại song phương BTA, thương mại song phương có những bước nhảy vọt và nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Bình luận 0

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden theo nghi thức cấp nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng còn nhiều khó khăn, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Việt Nam sẽ giúp mối quan hệ song phương chặt chẽ, sâu sắc hơn. Qua đó, cũng thúc đẩy dòng vốn đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ vào thị trường Việt Nam. Thực tế, trong hơn 10 năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ ngày càng sâu sắc và Việt Nam đang dần trở thị trường yêu thích của doanh nghiệp Mỹ. 

Thương mại song phương Việt - Mỹ: Tăng gần 300 lần kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ

Trên trang web chính thức, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định Việt Nam và Mỹ có nhiều điểm hội tụ thường xuyên trong các vấn đề thương mại và đầu tư. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng nằm trong Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư của Mỹ năm 2007.

Năm 2019, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 13 của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 75,7 tỷ USD.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 61,35 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,37 tỷ USD. Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong cùng năm 2019 đạt 46,98 tỷ USD, tăng 36,5% (12,56 tỷ USD) so với năm 2018.

 - Ảnh 1.

Đến năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng thương mại song phương Việt - Mỹ vẫn tăng 19,8% so với năm 2019, đạt 90,8 tỷ USD theo Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Bước sang năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng khoảng 248 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên gần 113 tỷ USD năm 2021, bất chấp đại dịch Covid - 19 kéo dài và diễn biến phức tạp của chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thương mại hai nước đạt mốc 100 tỷ USD. Năm 2022, thương mại song phương tiếp tục đạt kỷ lục với 123,7 tỷ USD.

Thương mại song phương Việt - Mỹ và những con số có "phép màu" - Ảnh 2.

Số liệu đến 20/8/2023 (Tổng Cục Thống kê)

Đáng chú ý, Mỹ luôn duy trì vị thế thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,3 tỷ USD. 

Nếu tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương Việt - Mỹ đã tăng gần 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 138 tỉ USD vào năm 2022.

Và trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 62,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ trong 8 tháng qua ước đạt 53 tỷ USD.

Thương mại song phương Việt - Mỹ và những con số có "phép màu" - Ảnh 4.

5 mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt trị giá tỷ USD ( số liệu Tổng Cục Hải quan đến hết tháng 4/2023).

Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Trong lĩnh vực thủy sản, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022 xuất khẩu vào thị trường này đạt kỷ lục 2,1 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, Mỹ chiếm vị trí số 1 về thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 853 triệu USD; tiếp theo là Trung Quốc và Hồng Kông 845 triệu USD; Nhật Bản 837 triệu USD; Hàn Quốc 420 triệu USD; Anh 170 triệu USD.

Ngoài thủy sản, Việt Nam còn xuất khẩu sang Mỹ các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sang Mỹ có thể kể đến như dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện điện thoại, gỗ và sản phẩm gỗ...

 - Ảnh 2.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ

Điểm tên loạt "Đại bàng" Mỹ mạnh tay rót hàng tỷ USD vào Việt Nam 

Đầu năm 2021, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Material Handling & Logistics của Mỹ công bố, có đến 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi cho rằng Việt Nam nằm trong top 3 điểm đến mà họ ưu tiên để tìm kiếm địa điểm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Con số này tăng gấp đôi so với kết quả khảo sát hồi năm 2019.

Trong năm 2022, Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 748,17 triệu USD với 91 dự án cấp mới, xếp thứ 8 trong tổng số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Và trong 8 tháng đầu năm 2023, Mỹ có 72 dự án đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ 13 trong số các quốc gia có lượng vốn rót vào Việt Nam nhiều nhất.

Bên cạnh đó, còn một khoản vốn không nhỏ được Mỹ đầu tư vào Việt Nam thông qua nước thứ ba.

Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Intel, Ford, Coca-Cola, Cargill...đang là những "đại bàng Mỹ" tại Việt Nam vớ vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD trong những năm qua.

Intel vào Việt Nam năm 2006 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng, giúp đưa tên tuổi Việt Nam lên bản đồ công nghệ thông tin và điện tử toàn cầu. Sau 16 năm, Intel đã rót vào nước ta 1,5 tỷ USD và có doanh thu lớn nhất trong các doanh nghiệp FDI có mặt tại Việt Nam. Trong quý I/2023, Intel chiếm tới 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP. HCM (SHTP) và 15% kim ngạch xuất khẩu linh kiện, điện tử của cả nước.

 - Ảnh 3.

Cargill đã có mặt tại Việt Nam hơn 27 năm, đến nay Tập đoàn này đã có 11 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trải dài khắp cả nước cùng một trung tâm phân phối sản phẩm ở TP.Hồ Chí Minh.

Nhắc đến doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam không thể nhắc đến Ford. Đây là một trong những doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tiên đầu tư vào Việt Nam sau khi hai quốc gia bình thường hóa quan hệ. Ford là nhà đầu tư lớn nhất của Hoa Kỳ trong lĩnh vực ô tô tại Việt Nam.

Tổng vốn đầu tư của Ford Việt Nam đạt 208 triệu USD trong đó có gói đầu tư 82 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh Hải Dương năm 2020 nâng tổng công suất lắp ráp lên 40.000 xe/năm với 1.200 việc làm trực tiếp cùng hàng ngàn việc làm gián tiếp tại hệ thống đại lý trên toàn quốc.

Một thương hiệu lớn khác trong làn sóng FDI của Mỹ vào Việt Nam là Coca-Cola Việt Nam. Thương hiệu đồ uống này vào Việt Nam 1994 và hiện đang có 3 nhà máy, phân phối 10 nhãn hàng. Năm 2022, doanh thu của Coca-Cola chạm mức 8.500 tỷ đồng vào năm ngoái.

Ngoài những "đại bàng" nói trên, loạt doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI của Mỹ hiện đang hoạt động ở Việt Nam như: GE Việt Nam – Hải Phòng, P&G, Kimberly Clark, Crown Cork...

Từ đầu năm nay, Việt Nam liên đón nhận loạt thông tin tích cực về việc doanh nghiệp Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam. Đơn cử vào tháng 3, một phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Boeing, SpaceX, Netflix, Apple đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực.

Thông tin mới được Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương công bố, đến nay Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TPHCM tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD...

Vào tháng 4/2023, Tập đoàn P&G dự kiến mở rộng nhà máy ở Bình Dương. Trong cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cách đây chưa lâu, bà Priyamvada Srivastava, Tổng giám đốc Procter & Gamble Việt Nam cho biết, P&G hiện có 2 nhà máy tại Bình Dương, với quy mô 300 triệu USD. Thời gian tới, P&G sẽ đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Bến Cát (Bình Dương).

Cuối năm nay, Amkor - "ông lớn" trong ngành công nghiệp bán dẫn, có trụ sở chính tại Arizona (Mỹ) cho biết sẽ đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Dự án này có vốn đầu tư giai đoạn I là 500 triệu USD.

Trong các ngày 31/7 và 01/8/2023, đoàn doanh nghiệp Tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã có chuyến thăm xã giao và làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội nhằm thắt chặt quan hệ giữa Việt Nam và bang California đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các địa phương hai nước...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem