Đại sứ Mỹ: Chuyến thăm của Tổng thống Biden cho thế giới thấy tương lai Việt - Mỹ gắn kết
Đại sứ Mỹ: Chuyến thăm của Tổng thống Biden cho thế giới thấy tương lai Việt - Mỹ gắn kết
Mỹ Hằng ghi
Thứ tư, ngày 06/09/2023 14:35 PM (GMT+7)
Không có cách nào thể hiện tầm quan trọng của quan hệ Việt - Mỹ tốt hơn là việc Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói. Chuyến thăm sẽ cho thế giới thấy tương lai hai nước gắn kết thế nào.
Gặp gỡ bàn tròn với một số cơ quan báo chí sáng nay 6/9, Đại sứ Mỹ Marc Knapper cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam cũng như những thành tựu trong quan hệ hai nước cho thấy sự quan tâm của Mỹ với Việt Nam và sự coi trọng mối quan hệ song phương. Đại sứ nói:
- Chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Hà Nội ngày 10-11/ 9 là một sự kiện lịch sử thú vị. Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, mọi tổng thống Mỹ, kể từ Tổng thống Bill Clinton, đều đến thăm Việt Nam.
Nhìn lại quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, chúng ta đã thấy mối quan hệ đó đã phát triển đến mức nào. Cho dù đó là đầu tư thương mại quốc phòng an ninh, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục, văn hóa, giao lưu giữa con người với con người, không gian, công nghệ…
Chúng ta đã tăng cường và phát triển mọi khía cạnh hợp tác trong 10 năm qua. Chỉ riêng trong năm nay, đã đến lúc suy ngẫm về mối quan hệ giữa hai nước, xem lại chúng ta đi được bao xa.
Trong năm kỷ niệm 10 năm đối tác toàn diện, đã có 5 thành viên nội các của Mỹ sang thăm Việt Nam, từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Catherine Tai, Giám đốc USAID Samantha Power, Bộ trưởng Nông nghiệp Vilsack, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Tất cả những chuyến thăm này thực sự thể hiện sự quan tâm và tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, chưa kể các chuyến thăm Việt Nam của các phái đoàn quốc hội cấp cao, các phái đoàn doanh nghiệp cấp cao, tàu sân bay USS. Ronald Reagan...
Không có cách nào thể hiện tầm quan trọng của quan hệ này tốt hơn là việc Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam. Một trong những mục tiêu của mối quan hệ này là làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác về mọi mặt để giúp tạo ra ở Việt Nam một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, hướng đến đổi mới sáng tạo, một nền kinh tế trong đó thông qua những nỗ lực giáo dục đào tạo để phát triển lực lượng lao động, để Việt Nam có thể có lực lượng lao động cần thiết cho việc phát triển và thành công trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.
Chúng ta cũng sẽ xem xét các lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu, đảm bảo rằng hai nước chúng ta được an toàn và thịnh vượng trong khu vực. Vì vậy, đây sẽ lại là một sự kiện lịch sử quan trọng.
* Xin Đại sứ cho biết mục đích chính của chuyến thăm là gì?
- Hiện giờ tôi không có gì để thông báo về bất kỳ chi tiết cụ thể liên quan đến việc nâng cấp hay chuyến thăm. Nhưng tôi có thể nói nếu nâng cấp sẽ rất phù hợp với tình hình hiện tại của hai nước chúng ta. Về những gì chúng ta hy vọng đạt được, trước hết là để người dân của cả hai nước thấy mối quan hệ này quan trọng như thế nào đối với hai nước, với thịnh vượng và an ninh trong tương lai của chúng ta.
Chính sách của chúng tôi đối với Việt Nam trong nhiều năm đều dựa trên sự ủng hộ một Việt Nam vững mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau.
Chúng tôi thấy rằng hai nước có cách tiếp cận tương tự nhau đối với các vấn đề quốc tế, chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến Biển Đông, trong đó chúng tôi hoàn toàn nhất trí về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tầm quan trọng của việc không cho phép một một quốc gia duy nhất ép buộc bên khác tuân theo ý muốn của mình để đơn phương thay đổi hiện trạng.
Chúng ta chia sẻ các mục tiêu liên quan đến các vấn đề xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, sức khỏe, đại dịch toàn cầu.
Tôi mong đợi mối quan hệ này, hoặc chuyến thăm này, sẽ làm nổi bật những nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện cho đến nay, đồng thời xem xét những cách mà chúng ta có thể làm sâu sắc hơn nữa, tăng tốc hơn nữa mối quan hệ trong tương lai, như tôi đã nói, gồm hợp tác trong công nghệ, tạo ra một nền kinh tế được thúc đẩy bởi sự đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng lao động.
Quan hệ Việt - Mỹ quan trọng với hai nước, với thịnh vượng và an ninh trong tương lai của chúng ta.
(Đại sứ Marc Knapper)
Chúng tôi cũng nghĩ đến mục tiêu chung là đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với tất cả những mục tiêu này, chúng tôi tin rằng Mỹ và Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì vậy, chúng tôi mong chờ chuyến thăm này để thế giới thấy tương lai của hai nước chúng ta gắn kết như thế nào.
* Việc Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa gì với quan hệ hai nước? Và liệu có thỏa thuận nào sẽ được ký kết trong chuyến thăm?
- Tôi nghĩ chúng ta rất may mắn. Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có mối quan hệ gần 10 năm khi gặp nhau lần đầu vào năm 2015 tại Washington, khi Tổng Bí thư thăm Mỹ và gặp Phó Tổng thống Biden khi đó cũng như Tổng thống Obama. Nhưng vào thời điểm đó, tôi nghĩ Phó Tổng thống Biden và Tổng Bí thư đã có thể gần gũi và có thể hòa hợp với nhau ngay từ đầu, họ đã chia sẻ một trích dẫn từ một câu chuyện.
Đây sẽ là một chuyến thăm tích cực, cực kỳ thành công, thực sự làm nổi bật mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, và mối quan hệ lớn hơn giữa hai nước chúng ta.
(Đại sứ Marc Knapper)
Và tôi nghĩ cả hai nước chúng ta đều may mắn được hưởng lợi từ mối quan hệ này, mối quan hệ cá nhân của hai nhà lãnh đạo, trong nhiều năm, họ đã trao đổi thư từ với nhau.
Chúng ta đã có cuộc điện đàm rất quan trọng vào ngày 29/3 giữa hai nhà lãnh đạo, khi đó Tổng thống Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi lời mời thăm lẫn nhau.
Việc đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư là rất quan trọng vì nó phản ánh mối quan hệ cá nhân mà hai nhà lãnh đạo có được và sự tôn trọng mà chúng tôi muốn thể hiện với Tổng Bí thư
Tổng thống sẽ có một chương trình tuyệt vời ở đây, tôi không thể nói trước bất kỳ thỏa thuận hoặc bất kỳ chi tiết nào, nhưng đủ để nói rằng tôi nghĩ đây sẽ là một chuyến thăm tích cực, cực kỳ thành công, thực sự làm nổi bật mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, và mối quan hệ lớn hơn giữa hai nước chúng ta.
* Liệu chuyến thăm này có phải là cú hích để hai nước thúc đẩy đàm phán FTA?
- Chính quyền Biden hiện đang rất tập trung vào khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Đây thực sự là một khuôn khổ kinh tế phù hợp với thế kỷ 21 nhằm giải quyết các vấn đề mà các hiệp định thương mại truyền thống không giải quyết được, từ khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng đến cơ sở hạ tầng xanh, v.v.
Hiện tại chúng tôi đang tập trung (vào IPEF) hơn là vào các hiệp định thương mại song phương. Đó là nỗ lực đa phương rất quan trọng, không chỉ với Hoa Kỳ, mà với Việt Nam, 12 quốc gia khác. Các cuộc đàm phán đang tiếp tục. Tôi nghĩ có một vòng đàm phán khác vào tuần tới. Nhưng cho đến nay, chúng tôi rất hài lòng với những tiến bộ đã đạt được, rất hài lòng với vai trò lãnh đạo mà Việt Nam đã đảm nhận và mong muốn đảm bảo rằng nỗ lực này sẽ được tiếp tục.
* Chuyến thăm của Tổng thống Biden có mang lại động lực mới cho quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước?
- Tôi nghĩ vậy, vì một trong những mục tiêu của chúng ta là xây dựng sự hiểu biết giữa hai nước, tìm ra cách xây dựng những cầu nối mới và vững chắc hơn giữa hai nước, mọi việc chúng ta cùng làm đều được xây dựng trên sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Thông qua sự hiểu biết lẫn nhau và với giáo dục, bạn có thể đạt được điều đó với nhiều cơ hội tương tác hơn… Chúng tôi đang tạo ra một môi trường trong đó hai dân tộc hiểu nhau và muốn làm việc cùng nhau. Tôi mong đợi, với chuyến thăm của Tổng thống Biden, các bạn sẽ thấy một số cơ hội mới và thú vị để tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục và đào tạo.
Không có cách nào thể hiện tầm quan trọng của quan hệ này tốt hơn là việc Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam. Một trong những mục tiêu của mối quan hệ này là làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác về mọi mặt để giúp tạo ra ở Việt Nam một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, hướng đến đổi mới sáng tạo, một nền kinh tế trong đó thông qua những nỗ lực giáo dục đào tạo để phát triển lực lượng lao động, để Việt Nam có thể có lực lượng lao động cần thiết cho việc phát triển và thành công trong nền kinh tế toàn cầu thế kỷ 21.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.