Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, khiếu nại của công dân về đất đai ngày càng nghiêm trọng, trong đó khiếu nại đúng tới 67,3%. Nguyên nhân của khiếu kiện đất đai, theo ông Hiện, do văn bản pháp luật thiếu thống nhất, ngay giữa Luật Đất đai, Luật Tố tụng hành chính, Luật KNTC cũng có mâu thuẫn, vướng mắc. Bên cạnh đó, địa phương ban hành hàng trăm, hàng nghìn văn bản hướng dẫn rất khác nhau, nhưng chưa được đánh giá về sự thiếu thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau.
|
Khiếu nại của công dân về đất đai ngày càng nghiêm trọng (ảnh minh họa). |
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, việc thay đổi chính sách quá nhanh, chẳng hạn như đưa ra hệ số giá đất khác nhau, đến khi đất bị thu hồi, số tiền đền bù tiêu hết, người dân lại trắng tay, lại nghèo.
“Chúng ta cần có khảo sát sâu hơn về việc sau khi bị thu hồi đất làm dự án, người dân sống ra sao” - ông Phúc kiến nghị. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho rằng tham nhũng, tiêu cực kéo dài khiến nhân dân bức xúc; có tình trạng trên bao che cho dưới khi làm sai. Có vụ việc qua 2 lần thanh tra nhưng không giải quyết được, đùn đẩy trách nhiệm. Điều này bắt nguồn từ việc ban hành văn bản không theo quy trình, có sai sót, không phù hợp thực tiễn, tổ chức thực hiện sai...
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo cần đi vào từng khâu, phân tích sâu, có kết luận giải quyết thế nào: “Luật sai thì phải sửa, dân vẫn khiếu kiện vì chính sách chưa ổn thì phải kiến nghị để sửa nghị định, sửa luật”.
Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2003 – 2010, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận và xử lý hơn 1,2 triệu đơn thư KNTC, trong đó đơn thư KNTC liên quan đến đất đai chiếm khoảng 70%. Kết quả giải quyết KNTC đạt 84%, trong đó số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%, có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai chiếm 52,2%.
Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.