Hơn 87% thí sinh đồng ý phương án 1 của kỳ thi quốc gia

Hồng Liên Thứ tư, ngày 10/09/2014 06:21 AM (GMT+7)
Sau khi dự thảo phương án tổ chức Kỳ thi THPT Quốc Gia được công bố ngày 29.7.2014, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KTKĐCLGD) đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22.8.2014. Trong đó có tới 87,23% thí sinh đồng ý tổ chức thi theo phương án 1.
Bình luận 0

img

Đa số ý kiến thống nhất phương án thi theo môn ( phương án 1), vì phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông; kết quả thi đủ độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục đại học có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo.

Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015 vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy, học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong số  2.788 trường THPT và TT GDTX thuộc 63 Sở GDĐT và  Cục Nhà trường được hỏi thì với 137.379 cán bộ, quản lý, giáo viên có tới 78.64% đồng ý tổ chức thi theo cụm, 77,82% đồng ý tổ chức chấm thi theo Cụm, 72,61 % đồng chí trường đại học chủ trì coi thi, chấm thi và hơn 85% đồng ý thi theo môn (phương án 1).

Còn trong số 929.584 học sinh được hỏi về vấn đề tổ chức thi theo cụm thì có tới 73.17% đồng thí, 72,04% đồng ý chấm thi theo cụm, 67,60 % đồng ý các trường đại học chủ trì coi thi, chấm thi, và hơn 87% đồng ý thi theo môn (phương án 1).

Với 120 trường ĐH, CĐ được hỏi, có tới 74,16% đồng ý coi thi theo cụm, 72,50% đồng ý chấm thi theo cụm, 92,50% đồng ý các trường đại học chủ trì coi thi, chấm thi; 65,83% đồng ý thi theo môn ( phương án 1). 

Hầu hết các ý kiến đều thống nhất đề nghị áp dụng quy trình coi thi, chấm thi của kỳ thi quốc gia giống như kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2014; tổ chức thành các cụm thi quốc gia, đặt tại các trường ĐH, CĐ và các trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn; Hiệu trưởng trường ĐH làm Chủ tịch Hội đồng cao thi, chấm thi; huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ và cán bộ, giáo viên ở các sở GDDT tham gia coi thi và chấm thi.

Một số ý kiến đề nghị Ngoại ngữ nên là môn thi tự chọn vì đối tượng thí sinh là học viên GDTX không được  học Ngoại ngữ và điều kiện dạy học Ngoại ngữ ở các vùng miền rất khác nhau nên khó công bằng trong đánh giá. Bên cạnh đó, nếu Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc thì chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường có ngành học tương ứng với khối D trước đây, dẫn đến không công bằng giữa các đối tượng dự thi.

Một số ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, chỉ xét công nhận tốt nghiệp bằng bài kiểm tra chất lượng cuối lớp 12 do sở GDĐT chỉ đạo; Duy trì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “ ba chung”, vì cách thức tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua nghiêm túc, kết quả đáng tin cậy, các trường có mặt bằng chung để xét tuyển.

Một số chuyên gia có ý kiến phân tích, phản biện về việc tổ chức kỳ thi; đồng thời dự báo những rủi ro, lường trước những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra khi tổ chức kỳ thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem