Đây là câu chuyện được chia sẻ tại diễn đàn khoa học đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Thông tư 30 (TT30) về đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 20.5.
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ, Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: “Trường Tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên (GV) dạy mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét 789 học sinh (HS) và 23 cuốn sổ theo dõi chất lượng. Tình trạng này diễn ra ở nhiều nơi, chính vì vậy mà nhiều GV đã tìm cách đối phó. Họ nhận xét rất ngắn gọn, dùng ký hiệu, bông hoa... nên phụ huynh và học sinh không hiểu được năng lực của mình đến đâu”.
Theo khảo sát thực tế của Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam về thực trạng thực hiện TT30 ở một số tỉnh, thành phố cho thấy, 95,2% số GV đều khẳng định: thực hiện đánh giá HS theo TT30, GV vất vả hơn nhiều so với trước đây (582/630 GV).
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2016/images/2016-05-20/1463741712-so-sach.jpg)
Ảnh minh hoạ: Internet
Khảo sát này cũng chỉ ra, có sự khác nhau giữa GV thành thị và nông thôn, giữa GV dạy khối 1-3 và dạy khối lớp 4-5: GV nông thôn mất nhiều thời gian hơn (102,29 phút) GV thành thị; GV dạy khối 1-3 cũng mất nhiều thời gian hơn (93,12 phút) GV dạy khối 4-5. Riêng GV dạy các môn hạc, họa, mỹ thuật… dạy nhiều lớp nên phải nhận xét vài trăm HS.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết: “Giáo viên trường nào gặp tôi cũng kêu là cần thay đổi TT30 vì họ quá mệt mỏi với việc nhận xét đánh giá nhiều sổ sách giấy tờ. Tôi cho rằng, nếu muốn giảm bớt áp lực thì cần điểu chỉnh và có thay đổi thông tư này”.
Nguyên nhân của những “rắc rối” mà thông tư này mang đến được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là do: trường lớp của Việt Nam quá đông, có lớp lên tới 60 học sinh; học sinh lớp 1 thì hầu như chưa đọc thông viết thạo nên có nhận xét các em cũng không đọc được; vì quen nhận xét ở tiểu học nên phần lớn học sinh gặp khó khăn khi lên lớp 6 được chấm điểm.
Ông Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, TT30 chưa có định hướng rõ ràng. “Một bài kiểm tra học kỳ không đủ để định lượng, điểm cao cũng ngoan, điểm kém cũng ngoan, điều đó là chưa hợp lý” - ông Hào nói.
Lắng nghe góp ý của các chuyên gia giáo dục và lãnh đạo các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, tới đây Bộ sẽ có những chỉnh sửa để thông tư này hợp lý hơn: “Cái gì mới cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng nếu không bắt tay vào làm không thể biết khó khăn ở đâu. Khi bắt tay vào thực hiện, khó đến đâu tháo gỡ và chỉnh sửa đến đó” - ông Hiển nhấn mạnh.
“Không nên làm ồ ạt thông tư này. Rất nhiều giáo viên, phụ huynh đã bị sốc và không thích nghi kịp. Tôi cho rằng, cần phải làm từng bước, nơi nào đủ điều kiện cơ sở vật chất, sĩ số ít thì làm trước, còn lại sẽ từ từ điều chỉnh để phù hợp khi tiến hành áp dụng thông tư này” - bà Lê Đoan Trang, Hiệu phó Trường thực nghiệm (Hà Nội) nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.