Hỗn loạn cuộc đua tăng lãi suất

Thứ năm, ngày 18/11/2010 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố việc Ngân hàng Nhà nước không can thiệp mà sẽ để cho thị trường tự quyết định mức lãi suất hợp lý, thị trường lãi suất vốn lại "dậy sóng", thậm chí hỗn loạn để cạnh tranh huy động vốn!
Bình luận 0

Xé rào tăng lãi suất

Tính đến sáng 17-11, lãi suất huy động ở nhiều ngân hàng đã được nâng lên mức 13%/năm, tăng 1% so với mức lãi suất đồng thuận mà Hiệp hội Ngân hàng đưa ra trước đó. Ngân hàng Đông Nam Á đưa ra biểu lãi suất bậc thang, gửi tiền càng nhiều lãi suất càng cao đến 13%.

 img
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng vẫn chưa có điểm dừng (ảnh minh họa).

VPBank nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng lên 13,5%. Trong khi đó nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác mặc dù vẫn niêm yết bảng lãi suất huy động cao nhất là 12% nhưng thực tế khách hàng gửi tiền lại đang được hưởng mức lãi suất cao hơn sau khi thỏa thuận "ngầm" hoặc được tặng thêm nhiều hình thức quà khuyến mại.

Lãi suất huy động nóng lên từng ngày và gần như không có một mức "barem" chung nào. Thậm chí có ngân hàng chấp nhận mức lãi suất cho những khoản tiền lớn lên tới 14,5 - 15% /năm để giữ chân khách hàng.

Đại diện lãnh đạo nhiều ngân hàng còn cho biết họ đã phải có biện pháp không chính thức để dừng giải ngân nguồn vốn mới bằng việc công bố mức lãi suất cho vay lên tới 19 - 20%. Đại diện một NHTMCP cho biết họ bị buộc phải tham gia vào cuộc đua lãi suất nếu không muốn nguồn vốn "ra đi".

" Chúng tôi hoàn toàn bị động"- ông nói. Ngân hàng nhỏ dùng lãi suất để hút vốn từ ngân hàng lớn, ngân hàng lớn sợ mất vốn lại chạy đua với ngân hàng nhỏ. Cuộc đua lãi suất vì vậy chưa thấy điểm dừng.

Theo thông tin từ NHNN, trong tuần qua lãi suất cho vay tăng khoảng 1 - 1,2%/năm so với tuần trước. Hiện lãi suất cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, chi phí sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực được ưu tiên phổ biến ở mức 12 - 12,75%/năm; đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh khác từ 13 - 16%/năm. Riêng đối với cho vay tiêu dùng và các mục đích khác lãi suất lên tới 20 - 21%.

Chờ "kìm cương" cuộc đua

Bình luận xung quanh vấn đề lãi suất, bà Dương Thu Hương - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng: Lãi suất luôn do thị trường quyết định. Các ngân hàng dù sao vẫn phải đảm bảo mục đích kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, lý giải cho tình trạng tại sao có đồng thuận rồi mà các NHTM vẫn đua nhau đẩy lãi suất lên cao hơn, bà Hương cho biết: Muốn giải quyết vấn đề này phụ thuộc vào động thái của NHNN. Bản thân các NHTM cũng không thể chủ động hoàn toàn trong vấn đề lãi suất.

NHNN và Ủy ban Giám sát tài chính toàn đưa ra những tuyên bố có tính hành chính mà không căn cứ vào thực tế thị trường và hoạt động của các NHTM. "Lãi suất cuối năm đang "lộn xộn" và "nhạy cảm" thì việc thả nổi có tác dụng gì cho nền kinh tế" - bà Hương bức xúc.

Phó GS.TS Trần Hoàng Ngân - Hiệu phó Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tại một cuộc hội thảo trước vấn đề lãi suất đang "nóng" cả ở hai lĩnh vực vay và cho vay đã cho rằng: NHNN phải sẵn sàng can thiệp vào thị trường lãi suất liên ngân hàng không để xảy ra tình trạng lãi suất liên ngân hàng leo thang như những ngày gần đây; cam kết cho vay để các NHTM nhỏ khắc phục tình trạng thâm hụt trong thanh toán, tránh phải huy động tiền gửi với lãi suất cao.

Tiến sĩ Đinh Tuấn Minh (Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: NHNN nên để công khai, minh bạch tính thanh khoản của ngân hàng thông qua thị trường mở. Chẳng hạn như những ngân hàng nào nhiều chi nhánh, huy động vốn tốt, ngân hàng có vốn cao thì nên khuyến khích họ, tạo điều kiện để thông qua đó điều chỉnh lãi suất.

Doanh nghiệp tìm kế đối phó

Ông Nguyễn Xuân Khoá - Tổng Giám đốc Công ty Bánh cao cấp Bảo Ngọc (Hà Nội) cho biết, lãi suất vay ngân hàng cao, đương nhiên các doanh nghiệp phải tìm cách để đẩy giá thành sản phẩm lên cao, nếu không sẽ không có lợi nhuận. Đó là quy luật của thị trường, khi mà giá cũ không cáng đáng nổi thì đương nhiên phải nâng giá sản phẩm”.

Không riêng doanh nghiệp Bảo Ngọc, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đứng trước những mối lo khi lãi suất “tăng tốc”. Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: “Theo tôi, lãi suất cao gây “choáng” cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần bình tĩnh, để tìm ra những hướng đi hợp lý nhất cho mình. Thời điểm này rất cần sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, thường xuyên công bố tỷ giá và lãi suất cho vay của các ngân hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp và ngân hàng không có những hành động cạnh tranh thiếu lành mạnh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem