Hồn thiêng đất Việt và nghị lực của một nghệ nhân

Hoa Kim Quyên Thứ tư, ngày 20/06/2018 06:15 AM (GMT+7)
"Hồn thiêng đất Việt" là tấm bản đồ Việt Nam, được sáng tác từ các phần đất linh thiêng ở nghĩa trang liệt sĩ của 63 tỉnh thành cùng 4 đảo Hoàng Sa*, Trường Sa, Phú Quốc và Côn Đảo của Việt Nam.
Bình luận 0

Tác phẩm có giá trị tinh thần sâu sắc này của tác giả Võ Văn Hải, một nghệ nhân từ quê biển Gò Công, tỉnh Tiền Giang, xa xứ lập nghiệp ở TP.Buôn Ma Thuột trên miền cao nguyên Đắk Lắk.

Hồn nước từ hồn đất

img

Tác giả Võ Văn Hải đi xin đất nghĩa trang liệt sĩ.

Tháng 5.2018, tôi tìm đến chùa Hoa Lâm, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, khi cơn mưa đầu mùa làm mát dịu nắng gió ở thủ phủ Tây nguyên. Tiếp tôi là Đại đức Thích Hải Định, trụ trì chùa. Tôi vào đề: "Bạch thầy, được biết tấm bản đồ Hồn thiêng đất Việt của nghệ nhân Võ Văn Hải nhằm tri ân những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hy sinh thân mình bảo vệ Tổ quốc. Người mất sẽ về với đất, nên tác giả đã xin đất ở tất cả các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước về lắp ráp tấm bản đồ. Và tại ngôi chùa này, thầy là người có công lớn trong việc giúp đỡ tác giả hoàn thành tác phẩm, có đúng không ạ?".

Đại đức Thích Hải Định chậm rãi pha trà mời khách. Thầy cho biết chỉ giúp đỡ tác giả phần sau của tác phẩm, còn phần đầu, từ việc lên ý tưởng đến việc gửi đơn xin phép Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, UBND tỉnh Đăk Lăk, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì lúc đó thầy không hay biết. Thầy chỉ được nghe Võ Văn Hải là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đăk Lăk, chuyên ngành mỹ thuật dân gian, có nhiều tác phẩm độc đáo từ gỗ quý của núi rừng Tây Nguyên. 

Ý tưởng hình thành Hồn thiêng đất Việt  khi ông Hải dự lễ hội 1.000 năm Thăng Long vào năm 2010. Ông nghĩ, cần có một tác phẩm khắc sâu tinh thần dân tộc Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước. Thế là sau hơn một năm ấp ủ và chuẩn bị, ngày 1.11.2011, tác giả đã cùng đại diện Binh đoàn Tây Nguyên làm lễ dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đắk Lắk, mở đầu hành trình xuyên Việt xin đất nghĩa trang liệt sĩ để về thực hiện tấm bản đồ. Sau ngày đó, tác giả một mình trên chiếc xe DH cũ, rong ruổi qua nhiều nghĩa trang liệt sĩ.

Đến nơi nào thì ông chụp hình ghi dấu và lấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi đó. Lộ phí cho chuyến xuyên Việt này cũng được ông dành dụm từ rất lâu, sau đó lại thuyết phục gia đình bán căn nhà ở phố rồi lui về sống luôn trên rẫy, tạo điều kiện cho ông hoàn thành tâm nguyện thực hiện tấm bản đồ. Đến tháng 2.2012, sau khi trải qua 40 tỉnh thành và nhận được 40 phần đất thiêng, ông Hải đột nhiên ngã bệnh.

Về lại Đăk Lăk điều trị, bệnh nặng kéo dài, kinh tế khó khăn, cuộc sống gần như bế tắc. Tuy vậy, ông vẫn không mất niềm tin và hy vọng vào việc hoàn tất tấm bản đồ. Thời gian đó, ông tiếp tục kiếm sống bằng các nghề bán bong bóng, bán cháo, bán kem, chạy xe ôm…

Tháng 2.2014, duyên may đã cho ông gặp được Đại đức trụ trì chùa Hoa Lâm, và thầy đã tạo nhiều điều kiện cho ông tiếp tục công trình đang dang dở.

Và lòng biết ơn

Tháng 6.2014, khi nhận phần đất cuối cùng ở nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, Côn Đảo, ông Hải mừng rơi nước mắt. Ông mang tất cả những phần đất có được về chùa Hoa Lâm và bắt đầu thực hiện việc lắp ráp lần lượt 3 tấm bản đồ Việt Nam bằng những phần đất ấy. Tấm thứ nhất có kích thước 1,1 x 1,6m được dâng tặng cho Ban chỉ đạo Tây Nguyên chuyển ra đảo Trường Sa để khẳng định chủ quyền biển đảo. Tấm thứ hai có kích thước 1,9 x 2,6m đặt tại chùa Hoa Lâm để cầu nguyện quốc thái dân an. Tấm thứ ba có kích thước 2,6 x 3,5m được đặt tại Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk để tri ân những anh hùng liệt sĩ đã vì Tổ quốc quyết sinh.

Mấy ngày lưu lại Đắk Lắk, tôi may mắn tận mắt chứng kiến tấm bản đồ kỷ lục mang tên Hồn thiêng đất Việt nặng trên 500kg đặt trang trọng tại tiền sảnh của bảo tàng. Càng may mắn hơn khi tôi được gặp 2 giảng viên của Đại học Tây Nguyên là Nguyễn An Sơn và Lê Đình Thân. Các thầy cùng sinh hoạt trong Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk với tác giả Võ Văn Hải.

Nhờ đây mà tôi biết thêm rằng: Những phần đất linh thiêng có máu xương của bao anh hùng liệt sĩ đã được đặt đúng vào vị trí địa lý của từng địa phương trong cả nước. Màu sắc tự nhiên của đất thể hiện rõ đặc trưng của mỗi vùng miền. Và điểm độc đáo ở chỗ tấm bản đồ Việt Nam khổng lồ ấy rất đa dạng màu sắc, nhưng tác giả không sử dụng một chút chất liệu bột màu nào. Phần nền được kết nối bằng 54 tấm gỗ sao, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S. Phần khung được làm bằng gỗ căm xe già của núi rừng Tây Nguyên, chắc chắn nó sẽ bền vững  đời đời.

Thật cảm phục trước một người bình thường lại có nghị lực phi thường như nghệ nhân Võ Văn Hải. Tấm bản đồ Hồn thiêng đất Việt hiện nay sừng sững uy nghi trong Bảo tàng Đắk Lắk, không chỉ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tâm linh, mà còn là một tác phẩm vô giá về lòng biết ơn và niềm tự hào của  dân tộc Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem