Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức

Thứ tư, ngày 09/08/2023 16:32 PM (GMT+7)
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô đã sử dụng moto Harley-Davidson nổi tiếng của Mỹ để chiến đấu chống phát xít Đức.
Bình luận 0

Đội quân “ngựa sắt” trên chiến trường

Moto được quân đội các nước sử dụng lần đầu tiên trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Hai loại xe đầu tiên được sử dụng phổ biến là Indian và Harley-Davidson, moto do hai công ty Mỹ nhà sản xuất. Trong đó Harley-Davidson được ưa chuộng bởi sự mạnh mẽ của nó.

Theo trang mạng accessoires-motard.fr của Pháp, Harley-Davidson là chiếc xe do chàng thanh niên 21 tuổi William Harley và anh em nhà Davidson chế tạo năm 1903. Từ chiếc xe đạp ban đầu được gắn động cơ 405cc đã được Harley và anh em nhà Davidson chế tạo thành chiếc moto Harley đầu tiên trên thế giới.

Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức - Ảnh 1.

Chiếc Harley-Davidson được sử dụng trong quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ảnh: bellesmachines.com

Hàng loạt mẫu mã ra đời và làm nên danh tiếng của loại moto này. Năm 1920, Harley-Davidson trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới với 28.189 chiếc moto được bán ở 67 quốc gia trên thế giới. Moto Harley-Davidson có động cơ lớn, được thiết kế khung chắc chắn đã góp mặt tại các giải đua trên khắp nước Mỹ.

Không chỉ vậy, Harley-Davidson còn tham gia vào “đội quân” moto có mặt trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Moto lần đầu xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Mặc dù moto Indian được sử dụng phổ biến hơn trong lực lượng quân đội Mỹ nhưng Harley-Davidson mới là thương hiệu để lại dấu ấn khi đưa người lính Mỹ đầu tiên vào lãnh thổ Đức. Sau khi hiệp ước đình chiến được ký kết, Trung úy Roy Holtz trở thành người lính Mỹ đầu tiên tiến vào nước Đức trên một chiếc Harley-Davidson.

Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái kinh tế kéo dài suốt những năm 1930 của thế kỷ trước đã cuốn các hãng xe rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Trước tình thế đó, công ty Harley-Davidson đã tìm cách thay đổi, để rồi một kế hoạch sản xuất xe moto ba bánh mang tên “Servi-car” đã ra đời.

Bước sang Chiến tranh thế giới thứ 2, Harley-Davidson tiếp tục tham gia đội quân moto và thống trị lực lượng xe máy trang bị cho Quân đội Mỹ với dòng xe WLA, phiên bản cải tiến dành cho quân đội từ mẫu WL. Harley-Davidson cũng cung cấp mẫu xe này cho quân đội Canada và gửi hơn 30.000 xe sang Liên bang Xô Viết.

Cỗ máy bền bỉ

Theo trang mạng Russia Beyond, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước đồng minh phương Tây đã gửi hàng nghìn chiếc moto tới Liên Xô. Những “ngựa sắt” Velocette và Matchless của Anh hay Harley-Davidson của Mỹ đã xuất hiện ở Liên Xô thời gian này. Trong đó, Harley-Davidson chiếm số lượng lớn, với hơn 21.000 chiếc. Sau này, Liên Xô sản xuất moto M-72 dựa trên phiên mẫu MW R71 của Đức. Đây là loại moto quân sự chính của Liên Xô với số lượng khoảng 16.000 chiếc. “Do đó, Harley-Davidson trở thành moto được sử dụng phổ biến nhất trong Hồng quân và được những người lính Liên Xô yêu thích”, Russia Today viết.

Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức - Ảnh 2.

Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức - Ảnh 3.

Hồng quân Liên Xô sử dụng Harley-Davidson trong các trận chiến với phát xít Đức. Ảnh: Russia Beyond

Harley-Davidson WLA-42 cung cấp cho quân đội Liên Xô được phân biệt bởi độ tin cậy, độ bền, các bộ phận chất lượng cao, tải trọng lớn, sự thoải mái, động cơ mạnh mẽ và khả năng chịu được xăng kém chất lượng. Không thoải mái lắm khi đi trên địa hình phức tạp nhưng trên đường nhựa, Harley-Davidson có thể đạt tốc độ 110 km/giờ. Cựu chiến binh Arseni Zonov nhớ lại: “Harley là cỗ máy bền bỉ với động cơ chữ V, được bảo vệ bởi khung, bộ truyền động bằng xích...; yên xe được bọc da, bên trong có lò xo, làm giảm tác động khi va chạm”.

Harley-Davidson WLA-42 được trang bị thùng để vận chuyển đài phát thanh, hộp đạn và bao da đặc biệt cho súng tiểu liên Thompson 11,43 mm -loại vũ khí mà các băng đảng ở Mỹ sử dụng trong thời kỳ Đại suy thoái. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân đã nhận được gần 138.000  súng tiểu liên Thompson từ người Mỹ. 

Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức - Ảnh 4.

Harley-Davidson là loại moto được Hồng quân Liên Xô sử dụng triệt để.

Vì những chiếc Harley-Davidson được chuyển đến Liên Xô không có thùng phụ, nên Hồng quân đã chế tạo thêm thùng. Từ đó, "chú ngựa sắt" Harley-Davidson có thể chở được súng máy Degtiarev 7,62 mm hoặc súng trường chống tăng PTRS hoặc PTRD, mặc dù khá hiếm thời đó. Harley-Davidson cũng có thể được trang bị súng cối 82mm. Những người lính Hồng quân đã đặt nó vào vị trí chiến đấu, khai hỏa, sau đó đưa nó trở lại thùng xe và nhanh chóng di chuyển khỏi làn đạn của kẻ thù.

Những chiếc Harley-Davidson còn được sử dụng cho các mục đích tình báo, liên lạc và tham mưu quân sự. “Đội quân” moto đã làm các nhiệm vụ như trinh sát, đánh chiếm các cầu, điểm vượt, đột nhập hậu cứ địch, hoạt động có hiệu quả dù bị cô lập cách đội quân chủ lực hàng trăm km.

Serafim Vassine, một binh sĩ thuộc Trung đoàn moto thuộc Tập đoàn quân xe tăng cận vệ số 6, nhớ lại: “Nếu kẻ thù bất ngờ chọc thủng tuyến phòng ngự của quân ta ở đâu đó, trung đoàn moto lập tức được cử đến ứng cứu. Trong các trận chiến kéo dài nhưng vẫn không chọc thủng được hàng phòng thủ của quân Đức, đội quân moto lại được triệu tập”.

Theo Russia Today, những chiếc Harley-Davidson của Liên Xô đã đi đến tận Berlin (Đức) và tham gia cuộc chiến chống phát xít Nhật. Sau chiến tranh, những chiếc Harley-Davidson của Mỹ vẫn tiếp tục được sử dụng ở Liên Xô, đặc biệt trong lực lượng cảnh sát ở thủ đô Moscow.

Hồng quân Liên Xô từng “cưỡi” Harley-Davidson chiến đấu chống phát xít Đức - Ảnh 5.

Mẫu xe Harley-Davidson ra đời năm 1965. Ảnh: bellesmachines.com

Trong thập niên 1970, Harley-Davidson đổi mới rất ít và phải đối mặt với sự cạnh tranh của hãng Honda của Nhật Bản có chi phí sản xuất thấp hơn. Theo accessoires-motard.fr, vào giữa thập kỷ 1970, công ty Harley-Davidson đã được AMF (American Machine and Foundry) mua lại. Sau đó, AMF đã bán công ty cho một nhóm nhà đầu tư-những người mong muốn khôi phục hình ảnh của thương hiệu xe cổ. Moto Harley-Davidson trở thành đồ sưu tập và thương hiệu có bản sắc. Thậm chí một nhóm mang tên HOG (Harley Owners Group) đã được thành lập nhằm liên kết các chủ sở hữu Harley-Davidson lại với nhau và chia sẻ lòng nhiệt huyết này đối với thương hiệu xe moto này.

Năm 2019, Harley-Davidson có bước ngoặt lớn và là nhà sản xuất moto điện đầu tiên.

Phương Linh (Theo Quân đội nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem