Hợp kim "lạ" ở VN: Có thể vàng đã bị trộn vonfram

Thứ sáu, ngày 13/05/2011 06:31 AM (GMT+7)
Khi trộn với vàng, các đối tượng lừa đảo có thể lấy cắp được 2 chỉ trong 1 cây vàng. Với giá vàng hiện nay, kẻ gian có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng khoảng 7,5 triệu đồng/cây vàng.
Bình luận 0

Máy thử vàng cũng khó phát hiện

Mấy ngày qua, một số công ty vàng cho biết hiện trên thị trường đã xuất hiện một hợp kim giống như vàng mà máy đo thông thường cho ra kết quả vàng bốn số 9. Tuy nhiên nếu cắt đôi thỏi vàng để phân kim thì hàm lượng vàng rất thấp.

img
Vàng lẫn hạt vonfram không thể dùng để chế tác nữ trang được Ảnh minh họa: IE

Hiện nay loại hợp kim này mới tồn tại dưới dạng nguyên liệu, được bán cho các nơi sản xuất nữ trang. Thông tin ban đầu cho biết, loại hợp kim này đã xuất hiện ở TP.HCM, Hà Nội, Ninh Bình, Lào Cai và Cao bằng.

Thông tin tại bản tin Tài chính - kinh doanh phát sóng trên kênh VTV1 lúc 21h ngày 11.5, theo phản ánh của một số chủ tiệm vàng tại Lào Cai, Cao Bằng và Hà Nội, từ cách đây 5 tháng, họ đã nhận được lời rao bán của một số đối tượng từ Hong kong.

Những người này chào vàng 4 số 9 xuất xứ từ Hong kong được đúc đặc dưới dạng vàng thỏi. Khi đưa vào máy thử thì cho ra kết quả đúng là vàng bốn số 9 nhưng một số chủ tiệm vàng cho biết là khi lấy kìm cắt đôi thỏi vàng thì thấy bở chứ không dẻo như vàng bốn số 9 bình thường.

Không ít cửa hàng do chủ quan đã mua loại vàng này, đến khi nung chảy phân kim thì mới biết là hàm lượng vàng chỉ có khoảng 60 - 80%, còn lại là chất lắng cặn như hạt cát mịn và họ nghi đó là vonfram.

Ông Vũ Minh Châu, TGĐ công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín - Minh Châu cho biết thêm tại bản tin Tài chính - kinh doanh lúc 7h cùng ngày: Khi đun nóng chảy vàng nguyên chất rồi trộn khoảng 10-30% lượng bột vonfram sẽ tạo ra hợp kim có màu sắc như vàng thật, mắt thường khó nhận diện. Ngay cả nhiều loại máy thử vàng tại Việt Nam cũng khó phát hiện do chưa cài đặt phần mềm nhận diện được nguyên tố vonfram.

Ông Châu tính toán, hiện một lọ chứa 100g vonfram tinh khiết trong phòng thí nghiệm giá khoảng 2,4 triệu đồng (khoảng 100 ngàn đồng một chỉ vonfram). Khi trộn với vàng, các đối tượng lừa đảo có thể lấy cắp được 2 chỉ trong 1 cây vàng và thay thế bằng 2 chỉ vonfram. Giá vàng hiện này khoảng 3,7 triệu đồng/chỉ, như vậy kẻ gian có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh vàng và người tiêu dùng khoảng 7,5 triệu đồng/cây vàng.

Theo các chủ tiệm vàng, vonfram rất cứng và chúng thường làm mẻ các mũi kim cương. Để chế tác được thành trang sức thì doanh nghiệp chế tác phải loại bỏ hết các phân tử vonfram ra khỏi vàng.

Hong kong từng chấn động vì vàng giả như thật

Hồi tháng 12.2010, thị trường vàng Hong kong từng bị sốc vì công nghệ làm vàng giả như thật, qua mắt được nhiều công ty kinh doanh vàng lớn tại đây. Lượng vàng giả mà các cửa hàng trang sức tại Hong kong mua phải lên đến 2.000 ounce. Vụ việc này được mô tả là một trong những vụ lừa đảo tinh vi nhất tại Hong kong trong nhiều thập niên.

Những loại vàng giả xuất hiện tại châu Á trước đây chủ yếu được làm bằng vonfram hay hợp kim vàng rẻ tiền, theo Financial Times, và chỉ cần bằng các động tác thô sơ như đập mạnh, cắn hay cào là có thể phát hiện. Trong khi đó, số vàng giả nói trên chỉ bị phát hiện khi sử dụng các phương pháp kiểm tra phức tạp như nấu lõi hợp kim ở nhiệt độ cao và phân tích hóa học.

Các phương pháp này, còn gọi là “thử lửa”, thường được các nhà giao dịch vàng lớn sử dụng. Do đó, những nhà kinh doanh tại Hong kong cho rằng số vàng giả “kỹ thuật cao” không thể lọt qua các cơ sở tinh chế hay sàn giao dịch vàng mà chỉ lưu hành trong thị trường bán lẻ.

Nhiều trang web cũng đã cảnh báo về loại vàng lẫn vonfram khá lâu đã cảnh báo và còn nêu ra lý do là tại sao kẻ gian lại sử dụng vonfram chứ không phải kim loại khác để cho vào vàng. Bởi vì vonfram có những đặc điểm lý tính giống vàng như màu sắc và khối lượng riêng, chỉ có nhiệt độ nóng chảy là cao hơn so với vàng. Vì lẽ đó, có người đã dùng vonfram làm lõi, sau đó phủ một lớp vàng thật ra bên ngoài hoặc trộn hạt vonfram vào vàng đang nóng chảy rồi đúc thành thỏi.

Vì nhiều máy thử vàng chỉ đo được bề mặt vàng chứ không đo được phần lõi nên trong nhiều trường hợp, vàng trộn vonfram đã qua mặt được nhiều công ty chế tác lớn, cho đến khi họ nung chảy thì mới phát hiện ra phần lõi bên trong.

Theo Khoa học đời sống

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem