Hộp sọ hàng nghìn tuổi mang lại manh mối gì về điều trị ung thư?

Nhật Hà (Theo New York Post) Thứ năm, ngày 30/05/2024 13:15 PM (GMT+7)
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng về việc người Ai Cập cổ đại thực hiện các phương pháp điều trị thử nghiệm hoặc khám phá y học về bệnh ung thư ở người cách đây hơn 4.000 năm.
Bình luận 0
Hộp sọ hàng nghìn tuổi mang lại manh mối gì về điều trị ung thư?- Ảnh 1.

Hộp sọ nam giới có niên đại từ năm 2687 đến 2345 trước Công nguyên. Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós, 2024/Frontiers

Edgard Camarós, nhà cổ bệnh học tại Đại học Santiago de Compostela, Tây Ban Nha và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Đây là một góc nhìn mới lạ về lịch sử y học".

Nhóm của Camarós đã kiểm tra 2 hộp sọ người từ Bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge ở Anh. Hộp sọ đầu tiên, là của một người đàn ông từ 30 đến 35 tuổi, có niên đại từ năm 2687 đến 2345 trước Công nguyên. Hộp sọ thứ 2 của một phụ nữ trên 50 tuổi, có niên đại từ năm 663 đến năm 343 trước Công nguyên.

Hộp sọ hàng nghìn tuổi mang lại manh mối gì về điều trị ung thư?- Ảnh 2.

30 vết thương hình tròn nằm rải rác trên hộp sọ người đàn ông. Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós, 2024/Frontiers

Các nhà nghiên cứu quan sát thấy ở hộp sọ người đàn ông có một khối u, họ còn phát hiện được 30 vết thương tròn nhỏ nằm rải rác trên họp sọ này. Họ cũng vô cùng sửng sốt hộp sọ còn bị cắt bằng vật sắc nhọn xung quanh vết thương.

Tatiana Tondini, nhà nghiên cứu tại Đại học Tübingen ở Đức, cho biết: "Khi lần đầu tiên quan sát các vết cắt dưới kính hiển vi, chúng tôi không thể tin được những gì ở trước mặt mình".

Các nghiên cứu trước đó về lịch sử Ung thư mô tả sớm nhất về bệnh ung thư ở người có từ thời Ai Cập cổ đại (khoảng năm 3000 trước Công nguyên). Bác sĩ người Hy Lạp Hippocrates (460-370 TCN) được cho là người đầu tiên gọi căn bệnh này là ung thư.

Hộp sọ hàng nghìn tuổi mang lại manh mối gì về điều trị ung thư?- Ảnh 3.

Một hộp sọ của một người phụ nữ trên 50 tuổi có niên đại từ năm 663 đến 343 trước Công nguyên. Ảnh: ondini, Isidro, Camarós, 2024/Frontiers

Trong khi đó, hộp sọ của phụ nữ cho thấy xương bị phá hủy do một khối u ung thư và hai vết thương đã lành.

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng chấn thương bắt nguồn từ một vụ bạo lực có sử dụng vũ khí sắc nhọn. Giả thuyết này gây ngạc nhiên vì hầu hết các vết thương liên quan đến bạo lực đều xảy ra ở nam giới.

Hộp sọ hàng nghìn tuổi mang lại manh mối gì về điều trị ung thư?- Ảnh 4.

Xương trong hộp sọ người phụ nữ bị phá hủy do một khối u ung thư và hai vết thương đã lành. Ảnh: Tondini, Isidro, Camarós, 2024/Frontiers

"Người phụ nữ này có tham gia vào bất kỳ loại hoạt động chiến tranh nào không?" Tondini hỏi. "Nếu vậy, chúng ta phải suy nghĩ lại về vai trò của phụ nữ trong quá khứ và cách họ tham gia tích cực vào các cuộc xung đột thời cổ đại".

Các nhà nghiên cứu cảnh báo không nên đưa ra quá nhiều kết luận vì 2 hài cốt thường không đầy đủ và không có tiền sử bệnh lý nào được biết đến của cả hai người. Tuy nhiên, họ vẫn lạc quan về phát hiện này mang nhiều ý nghĩa lịch sử với bệnh ung thư toàn cầu.

Camarós cho biết: "Nghiên cứu góp phần thay đổi quan điểm và tạo cơ sở đáng khích lệ cho nghiên cứu trong tương lai về lĩnh vực cổ ung thư, nhưng sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ cách xã hội cổ đại đối phó với bệnh ung thư".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem