Hợp tác sản xuất cà phê chứng nhận, bán giá cao hơn 8.000 đồng/kg

Duy Hậu Thứ ba, ngày 22/10/2019 14:30 PM (GMT+7)
Nhờ làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp (DN), giữa sản xuất với tiêu thụ nên nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) tại Đăk Lăk đang góp phần nâng cao chất lượng nông sản, giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Năm 2008, một số nông dân tại xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar đã liên kết với Công ty Cà phê Đăk Man thành lập Tổ liên kết thương mại Công Bằng Ea Kiết để cùng sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Tổ liên kết thương mại này sau đó phát triển thành HTX với gần 100 xã viên, tổng diện tích liên kết cũng tăng lên gần 200ha.

Với việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về chất lượng, môi trường…, sản phẩm cà phê nhân của HTX được cấp chứng nhận “Thương mại công bằng” (Fairtrade) của Tổ chức quốc tế về dán nhãn thương mại công bằng (FLO). Nhờ đó, sản phẩm cà phê của các xã viên luôn được bán ra cao hơn so với thị trường từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tấn, mỗi hộ thành viên sản xuất từ 2 - 2,5ha cà phê sẽ cho thu nhập tăng thêm từ 15 - 20 triệu đồng/năm.

img

Ông Trần Thanh Sơn- Phó Giám đốc HTX Công Bằng (xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk) cùng xã viên HTX kiểm tra vườn cà phê. Ảnh: D.H

Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Păk, HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng Ea Kmát cũng đang giúp hơn 240 hộ dân có thu nhập cao và ổn định bằng việc liên kết với DN tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các xã viên. Hàng năm, HTX ký hợp đồng với Công ty Cà phê Đăk Man tổ chức cho các hộ xã viên sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO, 4C, UTZ.

Cuối vụ, HTX tổ chức thu mua, sơ chế sản phẩm cho các hộ thành viên và xuất bán cho Công ty Cà phê Đăk Man với mức giá cao hơn giá thị trường cùng thời điểm khoảng 8.000 đồng/kg, mang lại giá trị gia tăng khoảng 30 triệu đồng/ha cà phê đối với tiêu chuẩn FLO. Không chỉ thế, nhờ việc tổ chức sản xuất khoa học, sản lượng cà phê của các xã viên cũng luôn ổn định ở mức cao.

Trong những năm qua, các tổ hợp tác, HTX tương tự đã hình thành, phát triển mạnh tại Đăk Lăk. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết năm 2018 toàn tỉnh có khoảng 5.000 tổ hợp tác, với khoảng 60.000 thành viên, lao động; 456 HTX và 3 liên hiệp HTX (trong đó có 253 HTX và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp), với vốn hoạt động trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng/HTX.

Ông Vũ Văn Đông - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Đăk Lăk, cho biết: “Thực tế cho thấy các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh đang đi đúng hướng, tạo sự gắn kết giữa nông dân và DN, giữa sản xuất và tiêu thụ, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Do vậy trong thời gian đến, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó ưu tiên khuyến khích, phát triển các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem