Ngày 8.8, UBND - UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo thực trạng, giải pháp đổi mới HTX nông nghiệp gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại Quảng Trị.
Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí quan điểm, HTX có vai trò rất quan trọng để liên kết sản xuất, hình thành chuỗi phát triển sản xuất, tiêu thụ từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, việc ban hành hướng dẫn thực hiện Luật HTX 2012 quá chậm. Ảnh: Ngọc Vũ
Luật HTX năm 2012 định hướng xây dựng HTX kiểu mới là điều kiện tốt để nâng cao vai trò, vị trí của HTX.
Thế nhưng, sự quan tâm của chính quyền từ trung ương đến địa phương đối với HTX chưa đúng mức; nhận thức của nông dân đối với HTX còn hạn chế, chưa đầy đủ; nguồn lực, nhân lực dành cho HTX còn ít,…
Tại hội thảo, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, sau gần 5 năm triển khai Luật HTX năm 2012, đã bộc lộ nhiều tồn tại, hại chế.
Cụ thể là việc quản lý nhà nước chưa thống nhất, còn chồng chéo, tách rời, bó hẹp, ví trị của Liên minh HTX Việt Nam còn mờ nhạt, chưa được khẳng định rõ.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăm sóc lúa cho nông dân Hải Lăng - Ảnh: Lệ Như/Báo Quảng Trị
Việc ban hành và triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật HTX năm 2012 chậm, nhiều nội dung chưa được thống nhất, gây khó khăn cho HTX trong thủ tục đăng ký lại, thành lập mới hay chuyển đổi sang loại hình hoạt động khác.
Luật HTX được Quốc hội thông qua tháng 11.2012, có hiệu lực ngày 1.7.2013 nhưng mãi đến tháng 11.2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định 193 hướng dẫn Luật. Sau gần 8 tháng tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Thông tư 03.2014 hướng dẫn thực hiện nghị định 193 của Chính phủ.
Sau 2 năm, đến ngày 28.5.2015, Bộ Tài Chính mới ban hành thông tư số 83 hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX. Và mãi đến cuối tháng 12.2016, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư số 340 hướng dẫn mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ tài chính đối với HTX thành lập mới và tổ chức hoạt động lại.
Tại Quảng Trị, có rất ít HTX có năng lực và hoạt động đúng chuẩn theo Luật HTX 2012. Ảnh: Ngọc Vũ
Theo ông Nghị, đến nay vẫn còn một số văn bản hướng dẫn chưa được ban hành, làm ảnh hưởng đến quá trình tổ chức triển khai Luật HTX 2012.
Điều 6 Luật HTX 2012 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ của HTX chưa được cụ thể hóa. Kinh phí hỗ trợ hoạt động phát triển kinh tế tập thể còn hạn chế. Một số chính sách hỗ trợ HTX được ban hành thiếu đồng bộ, không đi vào cuộc sống.
Còn nhiều bất cập khác về kinh phí giải thể bắt buộc, hồ sơ thủ tục thành lập HTX quá phức tạp,… Đặc biệt là thông tư 04.2015 của Ngân hàng nhà nước quy định giới hạn địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân làm cho các HTX khó tiếp cận vốn.
Ông Nghị cho rằng, để Luật HTX 2012 đi vào cuộc sống thì cần phải thay đổi nhận thức của nhân dân. Chính quyền từ trung ương đến địa phương phải thực sự quan tâm, tạo điều kiện cho HTX hoạt động và phát triển.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới như Đức, Hàn Quốc,… đã duy trì HTX trên 200 năm và phát triển rất tốt theo hướng liên kết các HTX nhỏ thành HTX lớn mà Việt Nam gọi là Liên minh HTX.
“Ở đất nước Israel đã đúc kết thành câu: HTX cộng với khoa học kỹ thuật dẫn đến thành công” - ông Nghị nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.