HoSE nghẽn mạng kéo dài: Bộ Tài chính thanh tra để xoa dịu nhà đầu tư?

Huyền Trang Thứ sáu, ngày 11/06/2021 14:38 PM (GMT+7)
Sau một thời gian dài HoSE bị rơi vào tình trạng nghẽn mạng, nhà đầu tư như bị bịt mắt đặt lệnh và bức xúc lên tiếng yêu cầu lãnh đạo HoSE chịu trách nhiệm thì Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc. Thị trường chờ đợi kết quả thanh tra của Bộ Tài chính không phải chỉ là động thái để xoa dịu nhà đầu tư.
Bình luận 0

Suốt thời gian qua, HoSE liên tục rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, nhà đầu tư chứng khoán như bị bịt mắt, đánh bạc khi lệnh hủy, sửa bị chặn. Tình trạng này khiến nhà đầu tư hoảng loạn kích hoạt hàng loạt lệnh bán MP (bán bằng mọi giá). Nhiều nhà đầu tư bức xúc lên tiếng tố quản lý HoSE vô trách nhiệm nhưng người trong cuộc lại có lý do riêng. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Điệp khúc nghẽn lệnh tại sàn HoSE

Từ giữa năm 2020, khi lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh, tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HoSE bắt đầu xuất hiện.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 9/6/2020 tất cả các lệnh giao dịch liên quan trong phiên ATC đều bị ảnh hưởng vì lỗi hệ thống. HoSE phải tạm ngừng giao dịch.

Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra gấp HoSE: Đến lúc nào nhà đầu tư mới có sân chơi minh bạch, bình đẳng? - Ảnh 1.

HoSE liên tục rơi vào tình trạng nghẽn lệnh. (Ảnh: VNE)

Cuối năm 2020 đến nay, tình trạng tắc nghẽn HoSE diễn ra như cơm bữa khi giá trị giao dịch mỗi phiên lên tới hàng tỷ USD.

Chẳng hạn ngày 17/12/2020, đối với các cổ phiếu niêm yết trên HoSE trong phiên ATC, nhà đầu tư không đặt được lệnh mua bán chứng khoán.

Ngày 22/12/2020, lỗi tương tự cũng xảy ra. Đỉnh điểm gần đây nhất, lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam, phiên giao dịch chiều ngày 1/6 được HoSE thông báo ngừng bởi tiền quá nhiều. Phiên sáng ngày 1/6 có tổng giá trị giao dịch vượt 21.700 tỷ đồng.

Chính vì vậy, sau khi ngừng giao dịch phiên chiều 1/6, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị trong phiên 2/6 nhà đầu tư hạn chế hủy, sửa lệnh. Đến phiên ngày 3/6, các công ty chứng khoán đồng loạt ngưng tính năng hủy, sửa lệnh.

Đỉnh điểm trong phiên giao dịch ngày 8/6, bảng giao dịch bị "tê liệt" giữa lúc thị trường chứng khoán giảm sốc khiến nhà đầu tư "mù mịt". Tình trạng này khiến thị trường lao dốc mạnh khi các nhà đầu tư kích hoạt hàng loạt lệnh bán MP (bán bằng mọi giá).

Chốt phiên, VN-Index bốc hơi gần 39 điểm. Đến sáng ngày 9/6, tình hình không mấy khả quan hơn khi bảng giá sàn HoSE tiếp tục đơ, trong thời gian dài chỉ số VN-Index bị "treo cứng". Nhà đầu tư không thể nắm được thị trường tăng hay giảm, giá giao dịch ở mức bao nhiêu.

Nhà đầu tư bức xúc

Tình trạng tắc nghẽn liên tục diễn ra trên sàn HoSE trong thời gian dài khiến nhà đầu tư chơi chứng khoán như đánh bạc vì bị "bịt mắt".

Rủi ro đầu tư gia tăng khi các công ty chứng khoán không cho khách tự hủy, sửa lệnh giao dịch để "giải cứu" sàn HoSE. Bức xúc vì sự cố tắc nghẽn gây ra nhiều thiệt hại, nhiều nhà đầu tư đã vào website Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đánh giá 1 sao.

HoSE nghẽn mạng kéo dài: Bộ Tài chính thanh tra để xoa dịu nhà đầu tư? - Ảnh 3.

Nhà đầu tư đề nghị Tổng giám đốc HoSE chịu trách nhiệm vì quản lý yếu kém. Ảnh: Quang Phúc/Lao động.

Không chỉ vậy trên các diễn đàn, hội nhóm Facebook, Zalo… nhiều nhà đầu tư bày tỏ tâm trạng cay đắng, phẫn nộ.

"Đề nghị ông Lê Hải Trà chịu trách nghiệm, kiểm điểm lại bản thân, từ chức vì sự quản lý yếu kém, bảo thủ và lỗi thời. Đề nghị sàn HoSE ngưng ngay hoạt động sàn đến khi sửa xong lỗi tắc nghẽn như sàn UPCoM và HNX. Mỗi giao dịch đều thu phí thì không thể có cái chất lượng kém và thao túng như vậy được" - Nhà đầu tư bình luận.

Hay người khác lên tiếng: "Không giải quyết vấn đề nghẽn lệnh cho nhà đầu tư, gây thiệt hại tài sản, tổn hại tâm lý người tham gia thị trường rất lớn. Lãnh đạo vô trách nhiệm, phát biểu vòng vo, bao biện". Không chỉ yêu cầu người đứng đầu sàn HoSE chịu trách nhiệm, nhiều người nhận định việc các công ty chứng khoán đang làm trái với quy chế HoSE ban hành tại Điều 17 trong "Quy chế giao dịch chứng khoán" khi cấm nhà đầu tư sửa, hủy lệnh.

"Có hai vấn đề mà ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc HoSE cần làm rõ: Thứ nhất, việc không cho các nhà đầu tư hủy, sửa lệnh với mục đích đảm bảo an toàn chung cho hệ thống giao dịch trên HoSE, vậy vì sao kể cả khi nhà đầu tư không được huỷ/sửa lệnh thì tình trạng nghẽn lệnh vẫn diễn ra ngay đầu phiên, khi mà khối lượng giao dịch chưa nhiều?

Thứ hai, sau khi dư luận lên tiếng thì chiều 9.6, lệnh đã đi mượt mà hơn kể cả khi một số công ty chứng khoán cho phép được hủy/sửa lệnh. Vì sao vẫn với cơ sở hạ tầng công nghệ như thế, phiên sáng 9.6 thì nghẽn mà phiên chiều số lệnh nhiều hơn thì vẫn chạy mượt mà...?" - Một nhà đầu tư gay gắt.

Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra gấp HoSE

Trước tình trạng sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM liên tục nghẽn trong thời gian dài nhưng không có cách xử lý, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc đã chỉ đạo Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra khẩn trương với HoSE.

Vào ngày 10/6, theo ý kiến từ Bộ trưởng Bộ Tài chính, quyết định thanh tra tài chính tại HoSE đã được chánh Thanh tra Bộ tài chính ký. Đoàn thanh tra sẽ căn cứ vào tình hình Covid-19 để có kế hoạch làm việc cụ thể, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

HoSE bị thanh tra đã thu hút nhà đầu tư quan tâm và đặt ra nhiều nghi vấn. "Tại sao đến khi tình trạng tồi tệ như vậy rồi mới thanh tra. Liệu rằng sau khi điều tra rõ ràng thì thiệt hại của nhà đầu tư có được bồi thường hay những ai phải chịu trách nhiệm. Phải chăng đây chỉ là một cách để xoa dịu dư luận", một nhà đầu tư bức xúc.

Được biết trước đó, trong bối cảnh nghẽn lệnh liên tục xảy ra, HoSE đã thông báo với các công ty chứng khoán thành viên về lộ trình kết nối thử nghiệm hệ thống do Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế.

Từ ngày 14/6 đến 23/7 sẽ bắt đầu kết nối, từ 26/7 đến 6/8 thực hiện thử nghiệm chức năng. Dự kiến trong năm nay năng lực xử lý lệnh sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi hệ thống vận hành chính thức.

Đồng thời trong thời điểm này, tập đoàn FPT đã được giao nhiệm vụ phối hợp với HoSE để điều chỉnh core trên hệ thống HNX. Điều mà nhóm phát triển FPT làm trong khuôn khổ dự án của mình là giải quyết bài toán hệ thống bị quá tải.

Sau khi có kết quả, Bộ Tài chính sẽ quyết định việc đưa vận hành hệ thống Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) thiết kế trên sàn HOSE hay hệ thống của FPT.

Hiện tại, quá trình kiểm thử diện hẹp của FPT đã kết thúc và giai đoạn kiểm thử thị trường đang được tiến hành. Thời gian diễn ra giai đoạn thử nghiệm là từ ngày 24/5 đến 25/6/2021. Theo dự kiến, giai đoạn kiểm thử thị trường của hệ thống FPT sẽ có kết quả vào cuối tháng 6. Đây cũng chính là cơ sở cho việc đưa ra quyết định có nên sử dụng hệ thống sàn giao dịch chứng khoán made in Vietnam không.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN, để xử lý triệt để tình trạng nghẽn mạng cần phải đợi hệ thống KRX của Hàn Quốc. Gói thầu này đã được ký thỏa thuận hợp tác với trị giá 600 tỷ đồng từ năm 2012, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2021 sau nhiều lần lỡ hẹn. Đó là con đường dài còn trong giai đoạn tạm thời sẽ phải chờ đến cuối tháng 6 khi giai đoạn kiểm thử thị trường của FPT kết thúc. Mục tiêu đặt ra là hệ thống mới sẽ có năng lực xử lý từ 3 đến 5 triệu lệnh trong một ngày.

Như vậy, chỉ khi giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh, nhà đầu tư mới có được một sân chơi rõ ràng, minh bạch. Và vấn đề này vẫn còn phải đợi, sớm nhất cũng là đến cuối tháng 6 này sau khi hệ thống FPT kết thúc thử nghiệm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem