Dự báo khi nào áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông và mạnh lên thành bão số 4?

Nguyên An Thứ hai, ngày 16/09/2024 14:30 PM (GMT+7)
Tin áp thấp nhiệt đới mới nhất: Cơ quan khí tượng dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào Biển Đông trong 24 giờ tới và có khả năng mạnh lên trong 48 giờ tới.
Bình luận 0

Tin áp thấp nhiệt đới mới nhất

Hồi 13 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 123,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15km/h.

Dự báo khi nào áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông và thành cơn bão số 4? - Ảnh 1.

Tin áp thấp nhiệt đới mới nhất: Cập nhật vị trí và đường đi mới nhất của áp thấp nhiệt đới.

Theo Cơ quan khí tượng Nhật Bản, mô hình dự báo của cơ quan khí tượng nước này đã có cảnh báo rõ về áp thấp nhiệt đới này. Cụ thể sáng mai 17/9, hình thái thời tiết này sẽ vào Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão số 4.

Trưa nay 16/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng có những bản tin dự báo về áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines mới nhất. 

Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới (trong 24 đến 48 giờ tới)

Thời điểm dự báoHướng, tốc độVị tríCường độVùng nguy hiểmCấp độ rủi ro thiên tai (Khu vực chịu ảnh hưởng)
13h/17/9Tây, 15-20km/h, di chuyển vào Biển Đông16,7 N-119,5E; trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển ĐôngCấp 7, giật cấp 915,0N-19,0N; phía Đông kinh tuyến 117.5ECấp 3: phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông
13h/18/9Tây Tây Nam khoảng 20km/h, mạnh lên thành bão15,7N-115,7E; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 350km về phía Đông Đông NamCấp 8, giật cấp 1014,0N-18,0N; 114,0E-120,0ECấp 3: khu vực Bắc Biển Đông, phía Bắc của khu vực Giữa Biển Đông

Theo quy định quốc tế, khi các cơn áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, bão sẽ được đặt một tên gọi quốc tế lần lượt theo đề xuất của các cơ quan Khí tượng quốc gia các nước. Riêng với Việt Nam, khi các cơ bão đi vào khu vực Biển Đông, bão sẽ được đánh theo số thứ tự từ 1, 2, 3... theo thời gian xuất hiện của các cơn bão trong năm. Cơn bão Yagi vừa đổ bộ vào miền Bắc nước ta vừa qua được gọi là cơn bão số 3. Trong trường hợp áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, ngoài tên gọi quốc tế, sẽ được đặt tên là cơn bão số 4.

Diễn biến bão từ 48 đến 72 giờ tới: Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km.

Về tác động của áp thấp nhiệt đới

Trên biển: Từ sáng ngày 17/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9 (75-88km/h), biển động.

Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 2,0-4,0m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.


Ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông

Để ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, chiều nay (16/9), Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã có công điện 6851 về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới. Cụ thể, nội dung công điện nêu rõ:

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines), hồi 10h00 ngày 16/9/2024, ATNĐ có toạ độ 17,1 độ Vĩ Bắc, 124,4 độ Kinh Đông với sức gió cấp 6-7, giật cấp 9; dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây với vận tốc 15-20km/h, cường độ cấp 7, giật cấp 9 và có khả năng mạnh lên thành bão.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận:

1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: Từ vĩ tuyến 15,0-19,0, phía Đông kinh tuyến 118,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).

2. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

3. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của ATNĐ đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

4. Trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem