HTX, doanh nghiệp nông nghiệp ở TP.HCM ăn nên làm ra nhờ bán hàng trên ...“đám mây”

Trần Khánh Thứ năm, ngày 26/10/2023 06:11 AM (GMT+7)
Việc hỗ trợ HTX và doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số sẽ góp phần lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, và xây dựng nông thôn mới ở TP.HCM.
Bình luận 0

Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP.HCM và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ HTX, doanh nghiệp chuyển đổi số để kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu trên sàn thương mại điện tử.

Lớn mạnh hơn nhờ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

HTX Cần Giờ Tương Lai ở huyện Cần Giờ là một trong những HTX tiêu biểu có bước chuyển mình thành công trong thời đại công nghệ số. Xác định mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, ngay từ ngày thành lập (năm 2019), HTX đã tập trung kiểm soát nguồn nguyên liệu từ khâu nuôi trồng đến chế biến thành phẩm.

Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở chế biến các loại cá khô với công suất 2 tấn/ngày; cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3kg/ngày và 3 điểm trưng bày, giới thiệu kinh doanh sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Công nhân ở HTX cần Giờ Tương Lai chế biến đặc sản khô cá dứa. Ảnh: Trần Khánh

Công nhân ở HTX cần Giờ Tương Lai chế biến đặc sản khô cá dứa. Ảnh: Trần Khánh

Bà Bùi Thị Nghĩa Bình - Phó Giám đốc HTX, cho biết HTX đã chủ động xây dựng website riêng (https://htxcangiotuonglai.com) cũng như trang Fanpage bán hàng ngay từ bước đầu thành lập, để góp phần quảng bá sản phẩm tới gần hơn với người tiêu dùng và xây dựng niểm tin với khách hàng.

Song song với lượng khách hàng đến tham quan, tìm hiểu tại tại các đại lý, siêu thị; các hội chợ, triển lãm do Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM (thuộc Sở NNPTNT) tổ chức thì nguồn khách hàng online cũng đem lại một doanh thu đáng kể.

"Sản phẩm của HTX cũng đã được phân phối vào các hệ thống siêu thị lớn trải dài từ Bắc tới Nam, như: Saigon Co.op, BigC/GO, Satra, Aeon, Lotte Mart, Usmart, và nhiều đại lý khác trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh, thành lân cận", bà Bình kể.

Trang trại Discus House (Công ty TNHH - ĐT - XK Luxhouse) đang sở hữu trại cá dĩa lớn ở TP.HCM, với hơn 500 hồ nuôi ở huyện Củ Chi, cùng với cửa hàng trưng bày các loại cá dĩa tại quận Tân Bình. Ngoài việc cung cấp cá dĩa cho thị trường trong nước, mỗi năm trang trại này xuất khẩu hơn 30.000 con cá dĩa đến hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Ông Ngô Đăng Linh, chủ trang trại Discus House, kể trang trại tập trung đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đặc biệt nhờ chú trọng chiến lược quảng bá thương hiệu trên không gian điện toán đám mây, thông qua website http://discushouse.tvnn.vn và các trang mạng xã hội, trang trại đã có những thành công nhất định.

Trang trại Discus House chú trọng chiến lược quảng bá thương hiệu cá cảnh trên nền tảng số. Ảnh: Trần Khánh

Trang trại Discus House chú trọng chiến lược quảng bá thương hiệu cá cảnh trên nền tảng số. Ảnh: Trần Khánh

Hiện nay, Discus House có doanh thu xuất khẩu cá cảnh hơn 1 triệu USD/năm. Đồng thời, trang trại còn liên kết tiêu thụ với hơn 50 hộ nuôi cá ở các quận, huyện ở TP.HCM, và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Dương.

Hỗ trợ HTX, doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng chuyển đổi số

Ông Phạm Quang Hợi - Giám đốc Trung tâm tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, cho biết Trung tâm đã hỗ trợ các đơn vị giới thiệu nông sản lên các kênh thương mại điện tử theo nhiều hình thức khác nhau.

Thông qua Fanpage HCACS Kết nối Nông sản, Fanpage Chợ phiên Nông sản an toàn, Chương trình Mỗi nhà nông một website, Trung tâm đã hướng dẫn các đơn vị tìm kiếm, kết nối mở rộng thị trường. Hiệu quả mang lại là một số đơn vị vận dụng sàn giao dịch số một cách tối ưu để quảng bá, gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Hợi, trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp nông nghiệp có vai trò lớn đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; và được TP.HCM quan tâm hỗ trợ.

Bởi vì, thành công của từng HTX, doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại; cung cấp nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sản phẩm bột rau má sấy lạnh của Công ty Thiên Nhiên Việt thường xuyên tiếp cận khách hàng trên nền tảng internet. Ảnh: Trần Khánh

Sản phẩm bột rau má sấy lạnh của Công ty Thiên Nhiên Việt thường xuyên tiếp cận khách hàng trên nền tảng internet. Ảnh: Trần Khánh

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt là một doanh nghiệp trẻ, chuyên sản xuất và chế biến bột nông sản (rau má, diếp cá, tía tô, chùm ngây, lá sen) bằng công nghệ sấy lạnh. Công nghệ này sẽ thay thế nguyên liệu tươi nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện lợi của khách hàng.

Bên cạnh việc phân phối sản phẩm qua các kênh tiêu thụ truyền thống, công ty còn tiếp cận khách hàng trên nền tảng internet, thông qua các website (http://xnkthiennhienviet.tvnn.vn, http://xnkthiennhienviet.com), sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Nhờ việc ứng dụng công nghệ số, sản phẩm Bột Rau sấy Lạnh Quảng Thanh của công ty đã được rất nhiều khách hàng quan tâm tại thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Công ty cũng sử dụng internet làm cầu nối với toàn bộ hệ thống đại lý, nhà phân phối. Rất nhiều khách hàng, đối tác lớn biết đến sản phẩm thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.

Đây là bước đệm để các sản phẩm của công ty được xuất khẩu chính ngạch, chinh phục các thị trường khó tính, góp phần đưa nông sản Việt Nam vươn ra ngoài thế giới.

Bà Nguyễn Ngọc Hương - Phó Giám đốc công ty, cho biết xuất khẩu được nông sản là một trong những cơ sở để sản phẩm Rau má uống liền Orama được TP.HCM đề cử Trung Ương công nhận mức OCOP 5 sao, bên cạnh những sản phẩm của công ty đã được chứng nhận 4 sao.

Theo bà Hương, công ty thật sự đã có những bước chuyển mình vượt bậc sau khi thực hiện chuyển đổi số. Doanh thu tăng gấp 5 lần chỉ trong vòng 2 năm. Hiện mỗi tháng có khoảng 20.000-30.000 sản phẩm bột rau của công ty được bán ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Chuyển đổi số nông nghiệp bắt đầu từ những việc cụ thể như ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua điện thoại thông minh, giao dịch nông sản trên chợ điện tử... Ảnh: Trần Khánh

Chuyển đổi số nông nghiệp bắt đầu từ những việc cụ thể, như ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua điện thoại thông minh, giao dịch nông sản trên chợ điện tử... Ảnh: Trần Khánh


Chuyển đổi số nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ngành nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai nông nghiệp số, giúp nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp có các sản phẩm nông nghiệp được cạnh tranh công bằng.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, khẳng định chuyển đổi số là cuộc cách mạng lớn nên cần phải bắt đầu từ những việc cụ thể, như: Ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, quản lý việc làm nông qua điện thoại thông minh, giao dịch nông sản trên chợ điện tử...Việc này thực hiện bằng cách tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn đưa lên sàn giao dịch điện tử; loại bỏ các khâu trung gian, kết nối trực tiếp giữa người bán và người mua.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem