Gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường PR, cam kết an ninh mạng với việc khai trương trung tâm minh bạch mới nhất tại Đông Hoản, Trung Quốc. Thậm chí, công ty cũng phát hành "khuôn khổ cơ sở bảo mật" mới mà họ cho biết nó cũng sẽ được áp dụng cho các sản phẩm riêng họ.
Cơ sở trung tâm minh bạch Đông Hoản mới nằm trong số bảy trung tâm minh bạch mà Huawei hoạt động trên toàn thế giới, bao gồm ở Bỉ, Đức, Canada và Anh, khi chúng lần đầu tiên được đưa vào hoạt động vào năm 2010.
Theo Huawei, các trung tâm này cung cấp một nền tảng dữ liệu mà các sản phẩm và phần mềm của họ có thể được kiểm tra, và xác nhận bảo mật bởi khách hàng và Chính phủ. Hệ thống cũng bao gồm các tài liệu kỹ thuật, công cụ kiểm tra và môi trường, cũng như hỗ trợ kỹ thuật liên quan khác.
Khi được hỏi, Huawei nói với trang ZDNet rằng, khách hàng và Chính phủ cũng có thể xem mã nguồn trong khung bảo mật của họ. Người phát ngôn cho biết, các tổ chức kiểm tra có thể thực hiện "các bài kiểm tra và xác minh bảo mật công bằng, khách quan và độc lập" dựa trên các tiêu chuẩn, và thực tiễn tốt nhất về an ninh mạng "được ngành công nhận".
Cùng với việc ra mắt, Huawei đã công bố khung cơ sở bảo mật mà họ cho là đã được tích hợp vào quy trình phát triển sản phẩm của mình, và nó cũng được phát triển để giải quyết các yêu cầu pháp lý và quy định. Khuôn khổ bao gồm 54 yêu cầu trải rộng 15 danh mục để triển khai sản phẩm, chẳng hạn như kiểm soát kênh truy cập, mã hóa, bảo mật ứng dụng.
Huawei cũng kêu gọi sự cần thiết cho một "cách tiếp cận thống nhất" đối với an ninh mạng, chỉ ra rằng các cơ quan trong ngành như GSMA và 3GPP đã thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn như NESAS (Hệ thống đảm bảo an ninh thiết bị mạng) và các chứng chỉ độc lập. Nhà cung cấp Trung Quốc cho biết: "Hiện tại, ngành công nghiệp này vẫn thiếu cách tiếp cận dựa trên tiêu chuẩn có sự phối hợp, đặc biệt là về quản trị, năng lực kỹ thuật, chứng nhận và sự hợp tác".
Huawei cho biết: "Những trung tâm minh bạch này đã được chấp nhận rộng rãi trong ngành và sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và xác minh các mạng an toàn".
Thông qua các trung tâm minh bạch của mình, nhà cung cấp Trung Quốc cho biết họ đã thực hiện hơn 200.000 khóa đào tạo bao gồm phát triển quy trình bảo mật và an ninh mạng, cũng như xác minh và thử nghiệm. Năm ngoái, công ty cũng đã thực hiện đánh giá rủi ro và giám sát hơn 4.000 nhà cung cấp các dịch vụ an ninh mạng khác nhau.
Đồng thời, công ty khẳng định sự xuất hiện của các mạng và dịch vụ 5G cũng sẽ làm tăng rủi ro bảo mật, tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu nỗ lực tập thể để chống lại các mối đe dọa như vậy.
Huawei cho biết: "Số hóa ngành và các công nghệ mới như 5G và AI (trí tuệ nhân tạo) đã làm cho không gian mạng trở nên phức tạp hơn, kết hợp với thực tế là mọi người đã dành phần lớn cuộc sống của họ trực tuyến trong suốt đại dịch COVID-19. Những xu hướng này đã dẫn đến dẫn đến sự gia tăng các rủi ro an ninh mạng mới".
Họ cũng lưu ý rằng, số hóa cũng làm mờ ranh giới vật lý của các mạng truyền thống, dẫn đến nhiều mối đe dọa mạng hơn, cũng như hậu quả của các lỗ hổng và các cuộc tấn công nghiêm trọng hơn.
Chủ tịch luân phiên của Huawei, Ken Hu cho biết: "Rủi ro an ninh mạng là trách nhiệm chung. Các chính phủ, tổ chức tiêu chuẩn và nhà cung cấp công nghệ cần hợp tác chặt chẽ hơn với nhau để phát triển sự hiểu biết thống nhất về các thách thức an ninh mạng. Đây phải là một nỗ lực quốc tế".
Ông Ken Hu còn khẳng định: "An ninh mạng quan trọng hơn bao giờ hết". Ông cho rằng chúng ta cần làm việc cùng nhau, chia sẻ phương pháp và xây dựng năng lực tập thể về quản trị, tiêu chuẩn, công nghệ và xác minh. Công chúng và cơ quan quản lý cần một lý do để tin tưởng vào tính bảo mật của sản phẩm, dịch vụ sử dụng hàng ngày".
Thực tế cho thấy, Huawei trước đây cũng đã mở các trung tâm an ninh mạng ở nhiều địa điểm ở nước ngoài. Bởi công ty muốn ở thế phòng thủ sau một chiến dịch chịu sức ép từ Mỹ- quốc gia vốn bày tỏ lo ngại về an ninh quốc gia đối với các thiết bị của Huawei.
Washington cũng đã vận động các đồng minh đưa Huawei vào danh sách đen khỏi cơ sở hạ tầng 5G của họ.
Huawei đã liên tục bác bỏ các tuyên bố của Mỹ khi cho rằng, thiết bị của họ có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia. Có vẻ như công ty đang sẵn sàng mở cửa sản phẩm của mình cho các cuộc kiểm tra bên ngoài, để giảm bớt áp lực từ Mỹ và những lời gièm pha từ nhiều nơi khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.