Giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa sắp đi vào hoạt động

An Vũ Thứ ba, ngày 15/06/2021 15:37 PM (GMT+7)
Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Dự kiến quý IV/2021, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.
Bình luận 0

Từ năm 2019, Chính phủ đã phê duyệt Đề án truy xuất nguồn gốc (Đề án 100), Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) là đơn vị triển khai các nội dung để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng, an toàn của sản phẩm trong toàn chuỗi cung ứng, nâng giá trị hàng hóa của Việt Nam.

Một trong số đó là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng thông tin này có các bên trong chuỗi cung ứng tham gia như: nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán lẻ, cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý.

Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Dự kiến quý IV/2021, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.

Giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa sắp đi vào hoạt động  - Ảnh 1.

Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sẽ quản lý được chất lượng sản phẩm theo chuỗi (Ảnh: Bộ KH&CN).

Để đảm bảo điều kiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện về truy xuất nguồn gốc của GS1 toàn cầu. Truy xuất nguồn gốc chuẩn phải đảm bảo các yếu tố: 

Thứ nhất là chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Khi truy xuất nguồn gốc có nghĩa chúng ta truy được sản phẩm đó có quá trình hình thành như thế nào, vận chuyển ra sao. Khi truy xuất chúng ta phải thấy được toàn bộ chuỗi quá trình mà tất cả các đơn vị tham gia vào việc tạo ra sản phẩm. 

Thứ hai, thông tin của sản phẩm khi truy xuất phải thể hiện giống như đã công bố lưu hành. 

Thứ ba cần có sự kiểm tra, giám sát của bên thứ ba trong toàn bộ chuỗi quá trình tạo ra sản phẩm đó (các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, các giấy chứng nhận về chất lượng, các loại giấy đánh giá). Đó là tất cả hồ sơ của bên thứ ba và cũng là một phần trong chuỗi liên kết đó. 

Thứ tư cần phải có nhật ký điện tử về toàn bộ quá trình hình thành ra sản phẩm.

Những tài liệu này để chứng minh toàn bộ quá trình tạo ra cũng như luân chuyển sản phẩm (ví dụ thông tin trồng loại giống gì, trồng ở đâu, sử dụng loại phân gì, quá trình sơ chế biến ra sao) có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, trong quá trình vận chuyển hàng hóa được bảo quản ra sao, có ảnh hưởng tới chất lượng hay không? Trong quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng có bị biến đổi về chất lượng hay không?.

Theo đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho quản lý, đồng thời chống gian lận thương mại. Khi ứng dụng công nghệ các doanh nghiệp cũng phát hiện điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hoá và giúp cho doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.

Thực tế với nông sản, các công nghệ truy xuất cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử, liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR để xem lại toàn bộ quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.

Ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại điện tử. Ứng dụng này có thể được phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp, cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc định hướng sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem