Huda Huế xuống hạng Nhì: Ngày 13 tủi hổ

Thứ năm, ngày 18/08/2011 06:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc CLB Huda Huế chính thức rớt hạng sau khi thua 0-1 ngay trên sân Tự Do vào chiều 13.8 để lại cho những người yêu bóng đá đất cố đô nỗi buồn bã, thất vọng ê chề.
Bình luận 0

Anh Phù Quốc Thịnh - cổ động viên tích cực của Huda Huế hơn 10 năm nay, nói rằng sau ngày 13.8 đầy tủi hổ, bóng đá Huế dường như đã chấm hết.

Bẽ bàng “chảo lửa”

Và có lẽ không có gì quá khích khi anh Thịnh nói rằng, nên biến sân vận động Tự Do thành nơi… trồng cỏ nuôi bò sau khi đội nhà rớt hạng! “Chảo lửa” Tự Do từng là niềm tự hào của những người yêu bóng đá cố đô, nhưng chừ đi qua đó tui không còn muốn nhìn vào, vì như vậy sẽ khiến mình thêm bẽ bàng, chua xót - anh Thịnh bộc bạch.

img
Huda Huế (áo trắng) từ đỉnh cao đã dần rơi xuống vực thẳm, để lại nỗi đau cho nhiều CĐV.

Nói về việc đội nhà rớt hạng, nhiều cổ động viên xứ Huế khác cũng đều chung tâm trạng như anh Thịnh. Không buồn sao được khi ngọn lửa hừng hực trong họ bỗng bị dập tắt tơi tả. Không buồn sao được khi từ chỗ là đội bóng có đẳng cấp ở Giải hạng Nhất bỗng chốc rơi xuống vực thẳm. Ở cái thời khắc u ám này, nhiều cổ động viên Huda Huế lại hoài niệm về những ngày sân Tự Do hừng hực lửa.

Họ nhớ đến cái ngày hạnh phúc nhất, khi đội nhà giành vé lên hạng Nhất sau khi cầm hòa Hải Quan 0-0 bằng một trận play - off trên sân Tự Do trong một chiều mưa mùa đông rét căm căm. Khi đó, các cầu thủ của đội đã chiến đấu hết sức trong điều kiện thời tiết tồi tệ để khẳng định mình và họ đã không khiến cổ động viên đội nhà phải thất vọng. Chiều mùa đông rét mướt nhưng những người yêu bóng đá cố đô được sưởi ấm bởi sức ấm kỳ lạ.

“Ở trận cầu đó, rất nhiều người đã khóc nức nở, khóc vì hạnh phúc khi đội nhà chính thức đứng vào danh sách những đội mạnh quốc gia, khác hẳn với tiếng khóc trong nỗi bẽ bàng như ngày 13.8 vừa qua”- anh Nguyễn Văn Quang, một cổ động viên sát cánh với đội nhà nhiều năm liền, nghẹn giọng.

“Cái chết được báo trước”

Sân vận động Tự Do là một trong những sân bóng ra đời đầu tiên ở khu vực Đông Dương. Lịch sử của bóng đá xứ Huế đã có nhiều hào quang chiến thắng khiến người làm bóng đá nhiều tỉnh, thành khác phải ngưỡng mộ. Nhưng quá khứ không phải là thứ thần dược để cứu chữa cơ thể đang mắc “bạo bệnh” ở hiện tại. Khán giải xứ cố đô hầu như ai cũng biết rằng, “cái chết” của bóng đá Huế là tất yếu, là “cái chết được báo trước”. “Cái chết” đó bắt nguồn từ việc thiếu kinh phí, từ sự thiếu được quan tâm, đầu tư.

Từ đầu mùa giải, những cầu thủ trụ cột của Huda Huế đã chia tay đội nhà để đến với các đội bóng khác. Đội hình còn lại của đội bóng này vừa thiếu vừa yếu, nên phải mựợn nhiều cầu thủ từ Gia Lai về chơi. Trong khi đó, những “ngoại binh” đầu quân cho đội cũng thuộc dạng “hàng quá đát”, khiến sức mạnh của đội sa sút nghiêm trọng. Và hậu quả là, từ HLV Nguyễn Đức Dũng đến Giám đốc điều hành dày dạn kinh nghiệm trận mạc Đoàn Phùng đều rơi vào cảnh “không trò giỏi đố thầy làm nên”.

Mới đây, tại kỳ họp HĐND tỉnh, ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên - Huế cũng đã “kêu trời” vì tình trạng thiếu kinh phí cho đội bóng.

Ông Lê Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế, thở dài khi nói về việc đội nhà rớt hạng. Theo ông Bình, ngay từ đầu mùa giải 2011, ông Đoàn Phùng đã từng đề nghị cơ quan quản lý cho ngừng tham gia giải vì những khó khăn chồng chất.

“Kinh phí hạn hẹp, lương thưởng quá thấp nên chúng tôi không thể giữ chân các cầu thủ giỏi. Mỗi năm đội bóng chỉ được đầu tư 12-13 tỷ đồng, trong khi giá cả leo thang vùn vụt nên việc đội bóng rớt hạng là kết cục được báo trước”- ông Bình nói.

Như vậy, điểm yếu của bóng đá xứ Huế đã lộ diện từ lâu nhưng đã không được sự tiếp sức quyết liệt, kịp thời từ phía UBND tỉnh. Và nếu tiếp tục bị “bỏ rơi” thì rớt hạng chỉ là sự khởi đầu cho chuỗi ngày tăm tối đằng đẵng của bóng đá xứ Huế!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem