Huế hướng tới đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ thành di sản thế giới

TRẦN HÒE Thứ tư, ngày 20/05/2020 11:01 AM (GMT+7)
Thừa Thiên - Huế nghiên cứu các giải pháp quy hoạch để đưa sông Hương vào danh mục công nhận Di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO mà không làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của địa phương.
Bình luận 0

Ngày 20/5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, cơ quan này đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về "Nhiệm vụ quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050". Việc lấy ý kiến kéo dài đến hết ngày 27/5 nhằm hoàn thiện và trình các cấp phê duyệt, làm cơ sở cho công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế trong tương lai.

Huế hướng tới đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ thành di sản thế giới  - Ảnh 1.

Sông Hương đoạn qua địa phận thành phố Huế.

Kể từ khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, hệ thống Quần thể Di tích cố đô Huế đã trải qua 2 giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị, gồm giai đoạn 1996-2010 theo Quyết định 105/QĐ-TTg và giai đoạn 2010-2020 theo Quyết định 818/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của 2 giai đoạn này chủ yếu là cứu vãn di tích và phục hồi, phát huy giá trị bước đầu di tích.

Việc lập quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ hướng đến mục tiêu tôn vinh và tạo động lực tăng trưởng mới, thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên - Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Theo nội dung lấy ý kiến cộng đồng lần này, định hướng bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích cố đô Huế từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có những yêu cầu mới, như: Thực hiện các chiến lược phát triển của Trung ương và địa phương; khẳng định vai trò, vị thế của Quần thể di tích cố đô Huế trong chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên - Huế; nghiên cứu, xác định chính xác, đầy đủ cấu trúc không gian và phạm vi bảo tồn di sản kiến trúc cảnh quan, trong đó sông Hương và các chi lưu cùng các quần cư trong Đại nội, Kinh thành, phố cổ Bao Vinh, Gia Hội, khu nhà vườn Kim Long cần phải được xem như một phần không thể thiếu được của di sản cảnh quan văn hoá thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế.

Trong số những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của đồ án quy hoạch, đáng chú ý là định hướng quy hoạch gắn với việc hoàn thiện hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới. Các giải pháp quy hoạch sẽ được nghiên cứu để đưa sông Hương vào danh mục công nhận Di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO mà không làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của địa phương, ngược lại trở thành động lực tăng trưởng mới, với quy mô và ảnh hưởng lớn hơn, mạnh mẽ hơn.  

Huế hướng tới đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ thành di sản thế giới  - Ảnh 2.

Thừa Thiên - Huế nghiên cứu các giải pháp quy hoạch để đưa sông Hương vào danh mục công nhận Di sản cảnh quan văn hóa của UNESCO mà không làm ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của địa phương.

Trước đây, tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới vào năm 2004 tại Tô Châu (Trung Quốc), UNESCO đề nghị Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.

Lúc đó, các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao về giá trị cảnh quan sông Hương và nhiều lần khuyến nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa sông Hương vào danh mục cảnh quan cho hệ thống Quần thể Di tích cố đô Huế, nhưng tỉnh không thực hiện.

Đến năm 2014, khi đến khảo sát tại Quần thể Di tích cố đô Huế, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên - Huế nhanh chóng thực hiện việc lập hồ sơ đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, có thể vì lo ngại việc sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông trở thành di sản thế giới sẽ làm ảnh hưởng tới việc phát triển của địa phương nên từ đó đến nay Thừa Thiên - Huế chưa thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem