Hưng Yên đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tâm linh

Thanh Hà Thứ ba, ngày 12/11/2019 19:10 PM (GMT+7)
Cần đẩy mạnh du lịch tâm linh, quảng bá, xúc tiến du lịch và hoàn thiện các tiêu chí điểm đến… là những vấn đề được nêu trong 11 tham luận từ các chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành tại Hội thảo Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên.
Bình luận 0

Vừa qua, Hội thảo Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên, do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức đã xác định hướng đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch Hưng Yên trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn trong vùng và khu vực, đồng thời định hướng mô hình phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên trong thời gian tới.

img

Ông Ngô Hoài Trung - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, phát biểu tại Hội thảo Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thanh Hà

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá tăng trưởng du lịch của tỉnh cũng như của khu vực. Hưng Yên mong muốn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp du lịch, lữ hành…

“Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Đánh giá tiềm năng, lợi thế và khó khăn trong phát triển du lịch Hưng Yên, qua đó đề xuất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, hạ tầng cơ sở; trao đổi những kinh nghiệm khai thác tour, tuyến du lịch; đề xuất xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình, kế hoạch, chính sách và sự phối hợp hành động đồng bộ giữa các ngành, địa phương trong việc quản lý khai thác và phát triển sản phẩm du lịch Hưng Yên”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.

img

Sản phẩm của một cơ sở đúc đồng tại làng Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên.

Cũng tại hội thảo, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá về tài nguyên và lợi thế của du lịch Hưng Yên: “Tôi nghĩ, khi nói đến tài nguyên, tiềm năng, lợi thế về du lịch của một địa phương là phải có yếu tố khác biệt và nổi trội, ví dụ như về tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn.

So với địa phương khác, tài nguyên du lịch tự nhiên thường gắn với cảnh quan núi rừng, biển, hồ là sơn lam thuỷ tú, là danh lam thắng cảnh, những yếu tố này Hưng Yên không có. Tài nguyên du lịch nổi trội nhất của Hưng Yên là tài nguyên nhân văn, một tỉnh đậm đặc di tích lịch sử và tinh hoa văn hoá đồng bằng Bắc Bộ, đây là cái nôi của văn minh nước Việt. Chính vì vậy, theo tôi việc xây dựng sản phẩm du lịch của Hưng yên phải đặc biệt chú ý đến đặc trưng này để có sản phẩm tốt, hướng tới thị trường khách phù hợp, đáp ứng thị hiếu của khách du lịch Hưng Yên”.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Hưng Yên cần quán triệt Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân để xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó sản phẩm chủ yếu là du lịch văn hoá, du lịch tâm linh và du lịch nông nghiệp.

“Để các sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, cần đầu tư hoàn thiện các tiêu chí điểm đến như hạ tầng cơ bản điện, nước, viễn thông, môi trường, biển báo…; hạ tầng du lịch như lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm, an ninh an toàn… Đẩy mạnh hơn công tác tác quảng bá sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến khách hàng, giới thiệu hình ảnh, tổ chức các đoàn fam cho doanh nghiệp lữu và báo chí…”, ông Ngô Hoài Chung nói.

img

Đoàn đại biểu tham dự hội thảo tiến hành khảo sát tại chùa Thái Lạc, Văn Lâm tỉnh Hưng Yên

11 tham luận tại hội thảo đều đánh giá, Hưng Yên có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Phố Hiến được xác định là 1 trong 8 điểm du lịch quốc gia trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. 

Tuy nhiên, tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh vẫn chưa được khai thác đúng mức và hiệu quả, sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế; sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng sản phẩm thấp; nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế. 

img

Chùa Thái Lạc, Văn Lâm, Hưng Yên đang lưu giữ 16 bức chạm cổ bằng gỗ từ thời Trần

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thế Anh chia sẻ, do phần lớn tài nguyên du lịch của tỉnh là các di tích lịch sử, các làng nghề, nên tỉnh cần tranh thủ tiềm năng lợi thế này của mình để xây dựng mô hình tour du lịch tâm linh, tour du lịch làng nghề. Ví dụ, với tour làng nghề có thể đưa khách bắt đầu từ làng Hương xạ cao Thôn, xã Bảo Khê, TP Hưng Yên đến làng Tương Bần, thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào; làng trồng và chế biến dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm; làng chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi… 

Còn ông Trần Văn Mạnh - đại diện doanh nghiệp lữ hành Tour Hanoi cho hay: “Lợi thế của Hưng Yên là các điểm du lịch gần nhau, dễ dàng trong việc di chuyển cho du khách. Tỉnh cũng có thể xây dựng sản phẩm du lịch bắt mạch chữa bệnh, thăm và trải nghiệm cánh đồng dược liệu Nghĩa Trai, một trong những cánh đồng dược liệu lớn nhất miền Bắc”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem